Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Chuyện kể trong một ngày mưa - Ký

câu chuyện của một người Việt tình cờ quen trên đường khiến tôi không thể không viết lại. làm sao mà không thấy được đâu đó một mảnh đời mình trong nước mắt một ngày mưa

Chuyện kể trong một ngày mưa

...Tháng sáu – trời mưa. Những cơn mưa rất buồn. Mưa tầm tã đưa cơn lạnh xuyên thấu tâm cang. Bà Tốt ứa nưóc mắt bên mâm cơm còn gần như nguyên vẹn. Ba đứa con còn nhỏ quá chắc chưa biết gì về cuộc phân ly này. Bà đâu biết thằng Cò đã mang máng hiểu ra điều đau đớn sắp xảy ra cho cái gia đình thanh bạch nghèo nàn này.

Ông Tốt lắc đầu nhẹ như muốn xua đi cái bóng tối ghê rợn đã trùm lên gia đình của ông . Ông nói trong cơn thổn thức không còn cầm lai được.
_“Thôi, anh đi. Cách mạng kêu đi học chừng mười ngày là về thôi…”

Bà Tốt vùng dậy ghì chặt lấy người chồng đang chậm rãi đi vào cỏi chết. Mấy đứa nhỏ cũng òa khóc tức tưởi.
_“Anh ơi! Ba ơi!”

Chiếc áo poncho nhà binh thuở nào lại khoác lên trên đôi vai cong oằn nợ đời. Bóng ông khuất mờ dần trong màn mưa tăm tối…

Anh Cò nhìn thẫn thờ qua khung cửa kính airport terminal. Ánh mắt của người bạn mới quen như rơi vào khoảng không âm u sâu thẳm. Chúng tôi tình cờ quen nhau qua câu hỏi thật đơn sơ đầy Việt Nam tính.
_“Sorry – Anh là người Việt hả?”
_“Yeah! Tui là Việt Nam! “
Thế là rủ nhau mua ly cà phê. Nhấm nháp cho qua thời gian chờ đợi vì thời tiết tệ quá.

Delay. Delay.

Câu chuyện lan man từ Saigon qua Chợ Lớn xuống Bạc Liêu nhảy qua tận Mỹ tới Cali rồi như mọi câu chuyện của người Việt Nam tha hương đều quay về cội nguồn của tất cả khổ đau mất mát và chia lìa.
_“Hồi “giải phóng” anh ở đâu?”

Tôi bất chợt hỏi và anh cũng bất chợt bối rối. Bối rối vì lại phải bới lên từ cái mớ bòng bong rối rắm đầy những máu me thương tích của nhửng điều đáng quên để còn sống tiếp. Bất chợt vì nổi đau vẫn còn mưng mủ lại dâng đầy. Anh nhìn tôi – ánh mắt tràn ngập một nổi buồn.

Tôi củng chợt nhớ lại nhửng ngày tháng tang thương đó của đời mình và chợt lạnh người vì ánh mắt buồn đến buốt giá của anh. Nhớ nhửng đôi mắt của người dân vô tội chết tức tưởi vì hỏa tiển pháo kích của Cộng sản. Nhớ đến ánh mắt trừng trừng của nhửng xác người vượt biên trôi về đất mẹ.Nhớ kinh hoàng nhớ xót xa vì phải nhớ và vì không thể nào quên…

_“Ừ. Ngày đó gia đỉnh tôi từ trên tàu hải quân ở bến Bạch Đằng lại trèo lên bờ. “
Anh bạn tôi lắc đầu nhè nhẹ nửa cười nửa mếu.
_“Ở lại! Từ chết tới bị thương! “

...Thằng Cò đã lớn. Giờ không còn ai gọi anh là Cò nửa. Anh tới Mỷ cùng với ông Tốt để làm lại cuộc đời theo chương trình HO. Ông Mỷ râu xồm nổi tiếng khó tính trong phái đoàn phỏng vấn không ngờ lại dành cho gia đình anh sự thân ái bất ngờ. Ông tiển cả nhà ra cửa với lời nói cảm thông:
_“Welcome to America!”

Thế là anh Cò cuối cùng đã đến nơi mà đáng ra anh đã phải đến từ 15 năm trước! Anh bắt đầu làm lại cuộc đời anh với năm đôla và 2 bộ đồ...

_“Nhưng tui còn có gia đình! Và biết gì nửa không! Tui có Saigon ở đây nè.”
Anh trỏ vào ngực trái và cười.
Bất chợt anh hỏi tôi:
_“Xin lổi nha! Anh có theo đạo Phật không?”
_“Có…”
_“Kinh Phật có giảng về cái địa ngục tên là A-tỳ hay còn gọi là Vô Gián. Gọi là Vô Gián vì tội nhân bị hành phạt không ngừng! Tui thấy nó đang tồn tại trên đời này đó. Địa ngục đó là Việt Nam ngày nay đó!”

…Trên đường về nhà sau buổi học chiều Cò chợt nhìn ra ba nó. Ông Tốt đã được thả về. Hai cha con ôm cứng nhau trong nổi mừng vui vô hạn. Nước mắt lẫn vào nhửng giọt mưa rơi. Đêm đó căn nhà tồi tàn mưa thấm dột qua mái tôn hoen rỉ như ấm lên trong bữa cơm độn khoai đạm bạc dưới ánh đèn dầu tù mù…

Tiếng người nhân viên hàng không vang vang trên loa mời hành khách chuẩn bị boarding. Anh Cò tần ngần đứng dậy bắt chặt tay tôi:
_”Bye ông nha. Tui phải đi thôi. “
_”Bye anh.”

Nắng đã hé qua màn mây úa xám. Chiếc phi cơ vùn vụt cất cánh rồi mờ dần trong hoàng hôn. Như cảnh đời của bao người Việt Nam tỵ nạn…

2 nhận xét:

Hồng Đức nói...

Cảm ơn vì một chút xúc động sau khi đọc bài ký này. Hơn 30 năm, vẫn còn bị xúc động.

Huyền Thu Trần nói...

Em hiểu những nỗi đau và mất mát của những người tị nạn.