Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

Du Tử Lê - Đại thụ của thi ca Việt Nam thời hiện đại

Tên thật: Lê Cự Phách.

Bút hiệu: Du Tử Lê.

Ngày và nơi sanh: 10 tháng 11-1942, làng Vân Lâm, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Việt Nam. 

Gia cảnh:

Con út của ông Lê Đình Vỹ, một thầy khóa nổi tiếng đẹp trai và có giọng bình văn lôi cuốn, ông  mở lớp dậy học tại gia. Mẹ là bà Hoàng Thị Lan người tỉnh Hà Đông.

Bà nội của Du Tử Lê tên tộc Nguyễn thị T., thuộc dòng Nguyễn Khuyến ở làng Yên Đỗ. Ông nội là cụ đồ Kh., nổi tiếng về tinh thông Lục Nhâm và Thái Ất, từng làm quân sư cho Tôn Thất Thuyết, khi ông Thuyết rút quân ra Bắc, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cụ bà Hoàng Thị Lan, thân sinh của Du Tử Lê, sinh nở tất cả 11 lần, nhưng cuối cùng Du Tử Lê chỉ còn lại hai người anh: Lê Đình Quỳnh (tức nhà văn Lê Vương Ngọc), Lê Đình Dư và một người chị Lê Thị Băng Tâm.

Những người anh và chị khác của Du Tử Lê lớp chết khi còn nhỏ, lớp chết trong chiến tranh.

Bẩm sinh, bàn tay trái của Du Tử Lê có tới sáu ngón. Chính vì thế ngay khi còn tấm bé, dù rất bụ bẫm, mập mạp nhưng do bàn tay sáu ngón nên Du Tử Lê rất nhút nhát. Cha chết khi Du Tử Lê mới lên ba, được mẹ nuông chiều nên sống lẩn quẩn với mẹ, chị và chị vú, sau thêm các chị dâu...

 

Học trình:

Tính cho tới năm 1951 là năm gia đình rời ra Hànội, Du Tử Lê không chịu đi học ở trường. Gia đình phải nhờ người dậy tại nhà. Nên năm 1951, khi xin vào học trường Nguyễn Du, tức trường Hàng Vôi cũ, ở đường Hàng Vôi, Hànội, Du Tử Lê học lớp ba ngay.

Năm 1954, Du Tử Lê theo người anh lớn khi đó là sĩ quan, di cư vào Nam. Thoạt tiên, gia đình dừng chân ở thành phố Hội An. Du Tử Lê theo học lớp nhất trường Nam Tiểu học Hội An. Nửa chừng, người anh bị đổi ra Đà Nẵng, Du Tử Lê lại theo học trường Nam Tiểu học Đà Nẵng, và thi tiểu học tại thành phố này.

Năm 1956, người anh xin đổi vào Sàigòn. Du Tử Lê lại di chuyển vào Sàigòn, rồi thi tuyển vào trường trung học Chu văn An. Mùa hè năm đệ lục, Du Tử Lê cắt bỏ ngón tay thứ sáu mọc bên cạnh ngón tay cái.

(Cự Phách còn có nghĩa là ngón tay cái.)

Năm đệ ngũ, phản ứng lại sự nghiêm khắc của người anh đóng vai trò quyền huynh thế phụ, Du Tử Lê bỏ nhà ra đi, sống tự lập. Đồng thời tự ý xin đổi qua trường Trần Lục. Học tại đây tới năm đệ nhất thì trở lại trường Chu văn An. Sau đó, Du Tử Lê ghi tên theo học tại Đại học Văn khoa Sàigòn.

 

Hoạt động:

Vẫn theo tác giả Lê Vương Ngọc thì do bàn tay sáu ngón và môi trường sống khép kín, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, như những đứa nhỏ bình thường khác, nên Du Tử Lê nhiễm nhiều nữ tính. Cho tới khi Du Tử Lê gia nhập Hướng Đạo ở Sàigòn, nhờ môi trường này mà tính tình bớt e thẹn, nhút nhát...

Du Tử Lê học khóa 13 Thủ Đức, rồi khóa 3 căn bản Tâm Lý Chiến. Đơn vị sau cùng của Du Tử Lê tính cho tới ngày 30 tháng 4-1975 là cục Tâm Lý Chiến. Thời gian này Du Tử là Thư ký tòa soạn Nguyệt san Tiền Phong. Tạp chí này xuất bản hàng tháng dành riêng cho sĩ quan của QLVNCH.

Năm 1969, Du Tử Lê được cử qua Hoa Kỳ theo học khóa căn bản báo chí tại thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ.

Tháng 4 năm 1975, di tản qua Mỹ, định cư tại miền Nam Cali. Năm 1992-1994, ở HoustonTexas chữa bệnh Thyroid. Năm 1994-1995, ở Hoa Thịnh Đốn sau đó, về lại Calif., và sống tại đây cho tới ngày nay.

 

Văn nghiệp:

Du Tử Lê khởi viết rất sớm với nhiều bút hiệu khác nhau, từ năm 1953 thơ được đăng trên tờ báo Măng Non, dành cho thiếu nhi, xuất bản tại Hànội. Mãi tới năm 1957, mới chính thức dùng bút hiệu Du Tử Lê qua một bài thơ đăng trên tạp chí Mai, xuất bản tại Sàigòn. Bút hiệu này được dùng cho tới ngày nay.

Nhiều người cho rằng ý nghĩa của bút hiệu Du Tử Lê là “kẻ lang thang dòng họ Lê”. Có người lại đề quyết rằng bút hiệu này được ghép bởi hai tên Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử. Sự thực theo một bài nói chuyện gần đây của Nguyễn Anh Văn, một trong những người bạn thuở nhỏ của Du Tử Lê, thì ý nghĩa của bút hiệu này là: Đứa con xa mẹ dòng họ Lê. Du Tử Lê lấy bút hiệu này sau khi tình cờ đọc được bản dịch bài Du Tử Ngâm của Mạnh Giao, nói về nỗi lòng của một đứa con sớm phải lìa xa người mẹ.

Tính cho tới tháng 11 năm 2009, Du Tử Lê đã in tất cả 50 tác phẩm, trong số này có 20 tác phẩm là thơ. Một số cuốn được tái bản nhiều lần. Đáng kể nhất trong số những thi phẩm của Du Tử Lê xuất bản ở hải ngoại là cuốn “Thơ Tình / Love Poems” được in tới lần thứ tư, trong vòng hơn mười năm kể từ ấn bản thứ nhất in năm 1984.

Năm 1973, thi phẩm “Thơ Du Tử Lê 1967-1972” (còn gọi là “Thơ Du Tử Lê II”) được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn Thơ năm 1973. Sự việc này khiến cho một trong hai tác giả của bộ “Thi Nhân Tiền Chiến” là ông Hoài Thanh, viết một bài rất dài cho đọc trên đài phát thanh Hà Nội trong đêm giao thừa năm đó, để lên án thi phẩm Thơ Du Tử Lê. Ông Hoài Thanh đã không ngần ngại gọi Du Tử Lê là Nhà thơ tư bản, và kết án Du Tử Lê là "nhận tiền của Mỹ ngụy dùng thơ văn lãng mạn để làm giảm sút tinh thần chiến đấu của thanh thiếu niên miền nam Việt Nam."(!!!)

Trong buổi phát thanh ngày 17 tháng 4-1975, đài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã kêu án tử hình khiếm diện Du Tử Lê cùng với Phạm Duy và Mai Thảo.

Tờ Thái Bình số đề tháng 12 năm 1975, xuất bản tại California, một lần nữa lại nêu đích danh và trích dẫn thơ Du Tử Lê để kết luận rằng Du Tử Lê là một trong vài nhà thơ miền Nam chủ tâm dùng thơ văn để ru ngủ tâm hồn thanh thiếu niên miền Nam, khiến cho họ sao nhãng "tinh thần chống Mỹ cứu nước" (!!!)

Trong khi đó, trên thực tế, thơ Du Tử Lê không chỉ gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở miền nam Việt Nam yêu thích mà ảnh hưởng này còn lan tràn mạnh mẽ ở cả miền Bắc nữa. Bằng chứng, sau tháng 4 năm 1975, toàn bộ tác phẩm của Du Tử Lê bị cấm lưu hành ở Việt Nam, mười năm sau, một tác giả lớn lên trong chế độ Cộng sản, nhà thơ nữ Hương Trà, được báo chí Cộng sản ngợi ca là mũi nhọn thi ca mới của chế độ Cộng sản, hay như tờ Lao Động ca ngợi là "một dòng thơ táo bạo"...; Vậy mà trong thi phẩm “Qua Cơn Mê”, do nhà xuất bản Trẻ, Sàigòn ấn hành năm 1993, nơi trang 29, có bài “Lối Tình”. Mà bài thơ này lại cóp gần như nguyên văn bài thơ “Khi Tìm Nhau” của Du Tử Lê. Bài thơ “Khi Tìm Nhau” của Du Tử Lê đã đăng tải trên tờ tạp chí Văn, Sàigòn 1973 và sau đó, in lại trong tập Đời Mãi Ở Phương Đông, do nhà Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản năm 1974, Sàigòn.

Vụ đạo thơ này do chính các tờ báo của chế độ cộng sản như báo Phụ Nữ, báo Tuổi Trẻ, vân vân... phát giác vào tháng 11 năm 1993. Sự thực có thể vì tác giả Hương Trà quá yêu thơ Du Tử Lê, thuộc và nhập tâm lúc nào không hay. Khi viết ra đã quên bẵng đó là thơ của Du Tử Lê.

Sở dĩ báo chí Cộng sản làm lớn vụ Hương Trà "đạo thơ" của Du Tử Lê trên báo vì vụ đạo thơ quá rõ ràng, quá lộ liễu, chứ trên thực tế thơ Du Tử Lê ảnh hưởng rất lớn tới nhiều thế hệ làm thơ ở Việt Nam, từ cách đặt nhan đề dài cho tới những dấu chấm, phết, vân vân...

Trên tạp chí Văn Học số Xuân, đề tháng 1 năm 1975, nhà văn Lê Huy Oanh, trong nhóm Sáng Tạo đã có một bài viết nhìn nhận nỗ lực cách tân thể thơ Lục Bát của Nhà thơ Du Tử Lê. Đó là chủ trương chia lại nhịp đi của lục bát. Trước Du Tử Lê lục bát được xây dựng trên nhịp chẵn hay nhịp 2 đều. Du Tử Lê chủ trương mang nhịp lẻ, hay nhịp chỏi đến cho lục bát. Thử nghiệm này ông đã bắt đầu từ năm 1966 với bài Lục Bát, 66, đăng trên tạp chí Văn, 1966, xuất bản tại Sàigòn.

Sau đó, trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Thế Kỷ 21, số 29 đề tháng 9 năm 1991, nhà thơ Nguyên Sa viết: "Tôi biết thơ Du Tử Lê thật hay, lúc ở Việt Nam, tôi thấy Du Tử Lê làm thơ được, những năm đầu ở Mỹ, tôi thấy thơ Lê hay hơn trước. Bây giờ tôi nghĩ rằng Du Tử Lê đã đi xa hơn những người làm thơ cùng thời với anh một quãng đường trông như gang tấc mà trong thơ, xa vạn dậm."

Nhà văn Bùi Bảo Trúc trong một bài nói chuyện về thơ Du Tử Lê tại Đại học Luật khoa George Mason, Hoa Thịnh Đốn ngày 17 tháng 9 năm 1993, sau khi trưng dẫn nhận định của Nguyễn Hưng Quốc về lục bát của Du Tử Lê rằng "Du Tử Lê rất tự giác trong việc đổi mới lục bát, đặc biệt ở khía cạnh nhịp điệu. Thơ ông có cách ngắt nhịp lạ. Ông đưa vào những cách ngắt nhịp mới chưa từng có trước ông. Nhận định về nỗ lực đổi mới nhịp Lục bát, Nguyễn Hưng Quốc cho rằng đóng góp của Du Tử Lê không thể không công nhận được." Nhà văn Bùi Bảo Trúc đã đi đến kết luận: "...Nhưng Du Tử Lê vẫn là người lâu nhất, gần gũi nhất, và có những đóng góp lớn nhất với lục bát. Công của ông thật lớn."

Nhà văn Mai Thảo phát biểu trong ngày ra mắt thi phẩm “Thơ Tuyển Tô Thùy Yên” của nhà thơ Tô Thùy Yên vào ngày 20 tháng 10-1995, ở miền nam California, phát biểu rằng, trong nửa thế kỷ thi ca Việt Nam, bằng vào ghi nhận của riêng ông, thì Việt Nam có tất cả 7 ngôi sao Bắc Đẩu đó là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê và Tô Thùy Yên. (*)

Theo ghi nhận của chúng tôi thì có lẽ nhà thơ Du Tử Lê là người có nhiều câu thơ sớm trở thành thành ngữ của thời hiện đại, thí dụ như những câu thơ “ở chỗ nhân gian không thể hiểu”, “đi với về cũng một nghĩa như nhau”, “hoặc tôi với người chung một trái tim”, “tan theo ngày nắng vội”, vân vân... Những câu nói này vốn là thơ của Du Tử Lê, sau người ta dùng quen, đến độ khi dùng chúng, người ta không cần chú thích, cũng chẳng cần mở đóng hai ngoặc kép nữa. Những câu thơ khác như “trong tay thánh nữ có đời tôi”, hoặc “vì em tôi đã làm sa di...”, người ta thay đổi một hoặc hai chữ để thành một câu nói cửa miệng của một số người trong những trường hợp khó nói hoặc không muốn nói rõ.

Tuy nhiên điều đáng nói ở đây về nhà thơ Du Tử Lê là, thơ cũng như văn của ông đã được dùng để giảng dậy hoặc làm tài liệu nghiên cứu tại một số đại học (ban cao học) Âu châu và Hoa Kỳ. Gần nhất, tháng 3 năm 1997, Multi Language of The World thuộc Khu Học Chánh Forthworh, Dallas, đã bắt đầu dùng một số thơ trích từ cuốn “Love Poems / Thơ Tình” để giảng dậy cho các sinh viên theo học môn Xã Hội học, Văn học Việt Nam.

Đặc biệt, thơ Du Tử Lê đã được tuyển chọn và chuyển dịch sang Anh ngữ, in trong cuốn “Understanding Viet Nam” của Giáo sư Neil L. Jamieson. Cuốn này bản bìa cứng in năm 1993, bản bìa mềm in năm 1995, bởi nhà University of California Press Berkeley and Los Angeles, California và University of California Press LTD., London, England, là cuốn sách giáo khoa về chính trị, văn học Việt Nam giai đoạn 1932 tới 1975. Cuốn sách này đã và đang được dùng để giảng dậy tại các Đại học Berkeley, UCLA và London, Anh quốc.

Du Tử Lê có thơ đăng tải trên Nhật báo Los Angeles Times, số Sunday, August 14, 1983, tức số báo chủ nhật.

Hiện nay nhà thơ Du Tử Lê sống tại miền nam Cali với gia đình.

(Source:http://www.dutule.com/D_1-2_2-132_3-132/dutule.html)

2 nhận xét:

biêng biếc nói...

...Ơn em nay đã về người .
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau
( DTL )

MinhTam . nói...

chỉ nhớ người thôi sông ...đủ cạn
nói gì kiếp khác với đời sau
(Chẳng chiến chinh mà cũng lẽ loi DTL)