Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Chuông Mơ - Nguyễn Tất Nhiên

Cô Biêng Biếc vừa rồi có post khổ đầu của bài Ở Saigon Nhớ Biên Hòa (xem trầm tích). Rất ngộ là bài Chuông Mơ viết ở Hoa Kỳ cũng có khổ đầu giống 99% chỉ hơi khác chử "trắng" thôi. :) Xin mời bạn thưởng lãm... 

áo em trắng cả sân trường trắng
tan học chiều nay có ngẩn ngơ ?
chiều nay anh ở xa lăng lắc
không cách chi về đón tiểu thơ!


chiều nay anh ở đất bon chen
cái mộng tan theo cái thấp hèn
cái thực lem theo ngày sống vội
không cách chi dài phút nhớ em!


chiều nay em bước ngang giáo đường
mắt Chúa chắc buồn thăm thẳm hơn
chắc cây thánhg iá thành di tích
chuyện một người chuộc tội hoài công!


chiều nay em còn măng tóc mai
hay đã lao tâm luống bạc rồi ?
chiều nay vừa đến giờ tan học
hay vừa buông cuốc chặm mồ hôi ?


chiều nay em bước trên quê hương
chắc tóc không còn óng ả chuông
chắc chuông không mượt nâng tà tóc
chắc tóc và chuông đã ... đoạn trường!


chiều nay em trên quê hương
chắc Chúa chẳng nhìn như mọi hôm
bởi vì mắt Chúa và em đã
lóng lánh vùi chôn ngấn lệ lòng!


áo trắng cả sân trường trắng
tan học trong đời anh thẩn thơ
đời anh quên, nhớ, quên... nhiều lắm!
chiều chiều xứ Mỹ cũng chuông mơ ...

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Hôm nay - nguyễn tất nhiên

khi không tình não nùng buồn

gót chân ai bỏ con đường nhớ nhung

gót chân ai nhẹ vô cùng

dẫm lên xác-lá-tôi từng tiếng kêu

gót chân ai bước, nhẹ hều

bước qua tôi, bước, hư nhiều thói quen!

 

khi không tình não nùng buồn

nhớ hôm qua vẫy tay ngừng ngập xa

tóc ai ngắn ngắn, như là

suốt đời chưa chịu thiệt thà chấm vai

suốt đời khét nắng rong chơi

kể như hơi hướm bàn tay tôi, thừa!

 

mừng em sớm biết lọc lừa

biết ngây thơ giả -- biết đùa với đau!

 

biệt ly dù ở ga nào

cho tôi ngồi một toa tàu lãng quên...

(1974)

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Việt Nam 1968 - Cung Trầm Tưởng

Việt Nam 1968 

Trong cuộc sống gài dối gian
 
Mỗi bước đi là dò dẫm
 
Trên một bãi mìn ngầm
 

Mỗi ý thoạt tiên là mở lộ
 
Vào đục xám như sương mai
 
Của những cái nhìn ám muội
 

Mỗi tiếng nói ra một dấu vấn
 
Sự điên rồ là không biết làm thinh
 
Khi sa giữa một rừng tai mai phục
 

Mới đêm nao con vòi khóc với mẹ cha
 
Sớm hôm sau pháo rớt chết cả nhà
 
Núi đứng câm, sông cũng không ngùi nước mắt
 

Trên triền sống chuồi bấp bênh
 
Khó tìm ra quân bình thế
 
Sao mắt tôi còn ấm lệ
 

Hay tôi khóc vì đứng nghe
 
Rồi thấy mình không ngoại cuộc
 
Đời reo lên như một giác đấu trường
 

Mũ áo xênh xang chờ xem một thiên đường nhuộm phẩm
 
Người sống say mềm bằng những sấm ngữ viết hoa
 
Đến cái chết cũng là dịp để bày phô sặc sỡ
 
Những màu cờ ảo hoạn
 
Những áo mị hương hoa
 
Một liên minh đàn đúm
 
Sum suê lái xác với buôn hòm
 

Trong dòng sống ngầu rối ren
 
Chúa treo trên móc sắt
 
Những bàn tay xưng tội
 

Người sang người bằng những cái nhìn nứa nhọn
 
Rào đời cao như một chiến ấp
 
Với mỗi nửa đêm linh hồn kẹt đạn
 
Dõi mắt chờ mà không thấy hoả châu
 

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Hai Lúa hí ngôn 2- "Quan chức lảnh đạo & lễ hội"

Hôm nay tạm ngưng... "thơ" thẩn mà hãy nói về vấn đề xử dụng danh từ của giới truyền thông nhà nước...

Đầu tiên xin nói về cách gọi các viên chức chính phủ ngoại quốc. Trong mấy năm gần đây, bà con ta thường nghe thấy báo đài trong nước gọi viên chức ngoại quốc là "quan chức" có khi thêm vào đó chử "lảnh đạo" nửa. 
Cái cụm danh từ này nghe rất trái khoáy! Tại sao? Phần lớn ở các quốc gia không cộng sản hoặc không độc tài, các chức vụ thường do dân cử. Ở Mỹ, chức vụ tại địa phương ở cấp Hạt (county) chẳng hạn từ Chánh án cho đến Cảnh sát trưởng đều do dân bầu ra. Nếu có đề cử như trường hợp bà Elena Kagan đang được TT Obama đề cử vào Tối Cao Pháp Viện HK cũng phải qua sự duyệt xét của lưỡng viện Quốc hội HK. Trong tiếng Việt, chử "quan" chỉ dùng cho các chức vụ mà vua ban. Chề độ chính trị có chức quan là chế độ phong kiến. Chế độ tự do làm sao có chức "quan" mà gọi là quan. Văn nô "ta" theo truyền thống thường quen chửi bới các quan nào là xấu nào là tham nay gọi viên chức của ngoại quốc là "quan" có phải là bới việc cho chúng chửi không?
Cụm danh từ "quan chức lảnh đạo" còn làm tăng thêm tính "đần" đặc thù của các văn nô quốc doanh. Quan là chức vụ rồi. Cần gì phải xài chử "quan chức" ở đây! Chức vụ "quan" là để "lảnh đạo" một đơn vị hành chánh. Không lẻ vua bổ chức quan về huyện để ông quan ra đó cho mấy chú lính lệ sai vặt à! Dùng chử bừa bãi như thế hẳn là một nét đặc trưng của văn nô "ta" đúng truyền thống dốt hay nói chử.

Kế nửa là chử "lễ hội". Định nghĩa hai chử lễ và hội khác nhau nhiều lắm chứ. Một bên có ý nghĩa trang nghiêm một bên có ý nghĩa vui chơi. Đồng ý củng có những dip mà lễ và hội cùng được tổ chức một lúc nhưng dùng cụm danh từ đó cho toàn bộ lễ và hội thì tầm bậy lắm. Ví dụ "boác hồ" bất đồ lăn ra chết (xảy ra rồi). Thế là lê duẫn và đảng lừa tồ chức "lễ hội" thương tiếc tiễn đưa boác đi "share phòng" với hai cu mác lê ở cõi A-tỳ. Nếu các ông bà văn nô kia mà viết như tôi đây chắc phải đi share phòng với anh Lê Công Định và anh Điếu Cày ngay trong đêm chứ không đùa.

Than ôi! Cái học của thầy bà quốc doanh đã không ra gì! Đầu óc của các vua quan cộng sản chỉ đặc sệt những mưu mô dối lừa không chút chánh đạo! Chả trách bọn học trò ngày càng... hết biết!

Than ôi! Những đám văn nghệ báo chí ở hải ngoại cũng ngu đần không kém! Xem các chương trình Paris by night hay Asia, nghe các đài radio hải ngoại thì rỏ. Mấy vị MC và xướng ngôn viên radio đều sủa y như rằng: "quan chức lảnh đạo" nước ABC đang hồ hởi tham gia "lễ hội hoành tráng" tại Hà Nội nhân kỷ niệm ngày "đột ngột" lìa đời giả từ cuộc sống "mênh mông tiền dân"* của hồ chủ (nay đã) tịch.

[* một ông leader của đảng lừa "viết" memoir lấy tựa đề "mênh mông tình dân". Đứa xấu miệng chửi xéo là "mênh mông tiền dân" tha hồ ông leader xài. Đứa khác thì mĩa mai ông leader viết sách "bên mông tình nhân"! 2Lúa khoái cái tựa sau nhất. Nghe xếxh-xi quá hén!]

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Chúc thư của một người lính vô danh - cung trầm tưởng

 
Nếu ngày mai cam phận tôi lên đường 
Về một miền trời nồng mùi thuốc súng 
Xin các người đừng tụ tập lăng xăng 
Đừng đọc diễn văn, trương cờ xí 
Đừng uý lạo tặng quà 
Quàng vòng hoa chiến sĩ 
Đừng chu choa tiếng kèn đồng 
Bởi cái chết là một món hàng vô giá 
Không lễ tiễn đưa nào chuộc được 

Nếu ngày mai tâm lý chiên đàn 
Lùa toán quân lao vào chiến địa 
Mìn mù loà xé xác chiên ngoan 
Xin các người đừng đến lầm rầm trước linh vị 
Vinh danh tôi anh hùng liệt sỹ 
Bởi cái chết giờ là 
Một quan tài gỗ tạp – nếu có – 
Đóng bằng ván lạnh lùng 
Và đinh sắt lãng quên – vô ơn 
Màu thời đại 

Nếu ngày mai say mùi thuốc súng 
Tôi miên du trong mưa đạn 
Phiến ngực gầy làm tấm khiên che 
Thân bung tung như xác pháo 
Theo nhịp cười rồ dại cỗ liên thanh 
Của một xạ thủ nằm rình 
Bên chiến hào đối mặt 
Hắn cũng như tôi 
Đang say mùi thuốc súng 
Mùi mê yên mị dược 
Đánh thuốc lú hồn ta 
Đang vô thức miên du 
Trước khổ đau đồng loại 

Vậy 
Nếu vì cuồng vọng một người 
Một triệu người phải ngã xuống 
Vải tang sô không đủ để quấn đầu 
Muộn sầu triệu nàng goá phụ 
Vật vờ triệu mụn con côi 
Tôi xin các người đừng đến cúi đầu mặc niệm 
Tỏ tiếc vong linh người chồng / cha vắn số 
Rồi ra về ngồi kí lệnh trưng quân 
Lấy thịt đồng bào làm mồi cho súng ngoại 
Bởi giết chóc này vô luân và phi lý 
Chân lý không hồng, cứu cánh không xanh 
Tôi muốn ngã xuống máu trắng 
Trên một lằn ranh màu trắng 

Nếu ngày mai giữa khói lửa đỏ rực trời 
Tôi bị hút vào từ trường phía trước 
Viên đạn nào vô giác xoáy đầu tôi 
Xin các người đừng làm trò thiểu não 
Đặt vòng hoa phúng điếu, phân ưu 
Biểu dương công trạng trước quân kì 
Bởi mạng Việt Nam các người coi rẻ rúng 
Tấm bạt thô phủ vội xác gầy gùa 
Khách bộ hành hấp tấp bước băng qua 
Không ngoảnh lại 

Di ảnh tôi 
Xin các người đừng phóng lớn, phô bày 
Trong công viên, ngoài phố xá 
Bởi sinh thời thường tránh chốn lao xao 
Chỗ chợ người bon chen bát nháo 
Tôi muốn được chết âm thầm, tan loãng giữa vô danh 
Một vết xước nhợt nhoà 
Trên vô tình lịch sử 

Nay 
Để hồn nhẹ nhõm lúc ra đi 
Xin trả đủ lại các người 
Những huy chương láng coóng 
Những chiến tích mạ kền 
Những hoa hòe hoa sói 
Những loá mắt lập lòe 
Một thiên đàng mộng hoạn 
Một chiến sử không vui 
Một nghĩa địa hoang vùi 
Triệu anh hùng mê muội 
Phận mỏng con thiêu thân 
Lao vào lòng hoả ngục 

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Từ triền tiệm cận cất bay lên đời - Cung Trầm Tưởng

Lời lền quện nhựa ê a  
Lưỡi chua loét cặn trời sa tù mù
 
Ngà ngà mặn muối thiên thu
 
Rêu nhơm nhớp máu, mốc u ẩm hồn
 
Nhang xiêm ngải, khói buồn nôn
 
Sắt đinh tanh tười, búa dồn dập phang
 
Rơi son, rã nhũ, bung vàng
 
Chão thừng bực bội, ván sàng động dao
 
Buông xuôi tay, rỗng sọ đầu
 
Mung lung một giấc hồ nào chửa quen
 
Bên kia lẫn tiếng trùng rên
 
Áng chừng rười rượi còn chen lời người
 
Tung chăn, bật nắp quan tài
 
Ngỡ ngàng nghe tiếng đời ngoài rộn vang
 
Khuyên kêu đến, sáo nói sang
 
Một hôn phối mới dệt đan nếp đời
 
Một hồng sợi nối muôn nơi
 
Nắng trao nhẫn cẩn ngọc trời lung linh
 
Hồn từ thức giấc u minh
 
Chứa chan niềm nỗi hoan sinh chưa từng
 
Dẫu dù đời có đêm bưng
 
Vẫn kiên ủ một sáng bừng bình minh
 
Diệt sinh mầm chốt trong mình
 
Sống là từng phút phục sinh diệu kì
 
Sau mai đi sẽ trở về
 
Lướt qua trần thế một vì sao băng
 

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

Linh hồn - Cung Trầm Tưởng

 Cứu rỗi hồn làm chi  
Từ khi hồn hôn ám
 
Thâm nám màu hồ nghi
 
Chiều mưa quây cửa ngục
 
Thắp nến niệm tâm kinh
 
Vẫn thấy mình lạc lối
 

Thôi con biết con biết
 
Sau lú lẫn tin dâng
 
Hư vô lùa bóng tối
 
Vào xoá lối thiên đường
 

Hồn giờ đi chân đất
 
Lật đật lối cô đơn
 
Ngã ba phố chập chờn
 
Ánh đèn vàng lửa ngục
 

Súng xa vang liên vận
 
Quỷ hận rống ven đô
 
Bàn tay mưa xô xoá
 
Chiếc bóng goá mơ hồ
 
Loãng tan đêm thuỷ hoạn
 

Đừng tự làm khách sạn
 
Cho ở tạm đời mình
 
Phải tự mình làm ngói
 
Lợp kín mái hồn mình
 

Cũng đừng làm xe khách
 
Chở hành khách là mình
 
Phải giữ mình thường trụ
 
Chỗ trú mình là mình
 

Đi là để trở về
 
Nồng nàn một điểm hẹn
 
Nhất phiến chiếc linh hồn
 
Giữa bão bùng dâu biển
 

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

Tương Tư - Nguyên Sa


Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia ?

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay ?

Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh giữa đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi ?

Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương

Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Đi về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa

Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo nghề thường
Cho nên đôi mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em.

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

Phạm Thiên Thư - Thơ tình đượm hương thiền

Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long (1 tháng 1 năm 1940- ) là một nhà thơ Việt Nam. Ông từng đi tu và rồi hoàn tục, nên có kiến thức khá thâm thúy về đạo Phật. Ông được coi là "người thi hóa kinh Phật" (dịch kinh Phật ra thơ) và là tác giả của nhiều bài thơ phảng phất triết lý mà ông đã tin theo.

Phạm Thiên Thư sinh tại Lạc Viên, Hải Phòng trong một gia đình Đông y. Năm 1943-1951, ông sống ở trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương. Năm 1954, di cư vào Nam. 

Từ 1964-1973: tu sĩ Phật giáo, làm thơ.

Năm 1973: đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu truyện Kiều-Đoạn trường Vô Thanh.

Năm 1973 -2000: Nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh Điện công Phathata (viết tắt chữ Pháp-Thân–Tâm).


Ngoại sử: (không kiểm chứng - đọc qua rồi bỏ)

Bà Trần Thị Tuệ Mai sanh năm 1928, kết hôn với một cư sĩ tên Nhã cho cha mẹ đôi bên vui lòng nhưng hai người tuy sống chung dưới một mái nhà nhưng giường riêng, buồng riêng. Vào đầu thập niên 70, bà gặp và yêu ông Phạm Thiên Thư nhỏ hơn bà gần 20 tuổi . Ông Phạm lúc ấy còn là một tu sĩ , dù ông thường tuyên bố ông đi tu để trốn lính . Sau đó bà dọn lên nhà của Phạm Thiên Thư ở Bà Chiểu . Phạm Thiên Thư là mối tình lớn nhất trong đời Trần Thị Tuệ Mai. Theo Hồ Trường An, Phạm Thiên Thư dù có vóc dáng cục mịch nhưng rất hiền, sắc mặt và cử chỉ điềm đạm, lời nói khiêm tốn . Hai người sống với nhau rất hạnh phúc cùng với hiền mẫu của Phạm Thiên Thư là cụ bà Quế Lâm biết về đông y thường sắc thuốc cho Trần Thị Tuệ Mai.

Khi Phạm Thiên Thư soạn thiên trường ca Hội Hoa Đàm phỏng theo Kinh Hiền Ngu, Trần Thị Tuệ Mai đã giữ phần nhuận sắc các câu thơ . Cả hai lập một nhà xuất bản chỉ in những tác phẩm thơ mà thôi.

Biết không thể sinh nở gì được , Trần Thị Tuệ Mai đã cưới cho Phạm Thiên Thư một cô vợ đẹp tên Mai Trinh, con gái của nhà văn Hoàng Ly có hôn thú hẳn hoi . Nhưng Trần Thị Tuệ Mai đã tính sai nước cờ , vì sau đó Mai Trinh đã mê hoặc Phạm Thiên Thư và làm trành làm tréo tìm cách “bứng” Trần Thị Tuệ Mai ra khỏi Động Hoa Vàng . Khi Mai Trinh mang thai, biết Phạm Thiên Thư say mê vợ rồi thì Tuệ Mai lặng lẽ rời khỏi Động Hoa Vàng.

Sau 1975 Trần Thị Tuệ Mai vẫn đau ốm liên miên và làm đủ mọi việc vặt để mưu sinh . Khi ông Nhã từ trần, bà trở về nhà để săn sóc cho ông và lo ma chay khi ông mất . Vào đầu năm 1982, bà qua đời vì chứng ung thư tử cung . Thiên hạ cho biết trong lúc đau đớn cùng cực trên giường bệnh, bà đã lấy những tác phẩm của Phạm Thiên Thư dằn lên bụng, nghiến răng thật chặt, và khi bật ra tiếng là gọi “Anh Thư ơi !”.

Ngày làm tuần bách nhật của bà, nhiều khuôn mặt văn chương tới dự, nhưng không có mặt Phạm Thiên Thư, chỉ có bà cụ Quế Lâm.


Du Tử Lê - Đại thụ của thi ca Việt Nam thời hiện đại

Tên thật: Lê Cự Phách.

Bút hiệu: Du Tử Lê.

Ngày và nơi sanh: 10 tháng 11-1942, làng Vân Lâm, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Việt Nam. 

Gia cảnh:

Con út của ông Lê Đình Vỹ, một thầy khóa nổi tiếng đẹp trai và có giọng bình văn lôi cuốn, ông  mở lớp dậy học tại gia. Mẹ là bà Hoàng Thị Lan người tỉnh Hà Đông.

Bà nội của Du Tử Lê tên tộc Nguyễn thị T., thuộc dòng Nguyễn Khuyến ở làng Yên Đỗ. Ông nội là cụ đồ Kh., nổi tiếng về tinh thông Lục Nhâm và Thái Ất, từng làm quân sư cho Tôn Thất Thuyết, khi ông Thuyết rút quân ra Bắc, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cụ bà Hoàng Thị Lan, thân sinh của Du Tử Lê, sinh nở tất cả 11 lần, nhưng cuối cùng Du Tử Lê chỉ còn lại hai người anh: Lê Đình Quỳnh (tức nhà văn Lê Vương Ngọc), Lê Đình Dư và một người chị Lê Thị Băng Tâm.

Những người anh và chị khác của Du Tử Lê lớp chết khi còn nhỏ, lớp chết trong chiến tranh.

Bẩm sinh, bàn tay trái của Du Tử Lê có tới sáu ngón. Chính vì thế ngay khi còn tấm bé, dù rất bụ bẫm, mập mạp nhưng do bàn tay sáu ngón nên Du Tử Lê rất nhút nhát. Cha chết khi Du Tử Lê mới lên ba, được mẹ nuông chiều nên sống lẩn quẩn với mẹ, chị và chị vú, sau thêm các chị dâu...

 

Học trình:

Tính cho tới năm 1951 là năm gia đình rời ra Hànội, Du Tử Lê không chịu đi học ở trường. Gia đình phải nhờ người dậy tại nhà. Nên năm 1951, khi xin vào học trường Nguyễn Du, tức trường Hàng Vôi cũ, ở đường Hàng Vôi, Hànội, Du Tử Lê học lớp ba ngay.

Năm 1954, Du Tử Lê theo người anh lớn khi đó là sĩ quan, di cư vào Nam. Thoạt tiên, gia đình dừng chân ở thành phố Hội An. Du Tử Lê theo học lớp nhất trường Nam Tiểu học Hội An. Nửa chừng, người anh bị đổi ra Đà Nẵng, Du Tử Lê lại theo học trường Nam Tiểu học Đà Nẵng, và thi tiểu học tại thành phố này.

Năm 1956, người anh xin đổi vào Sàigòn. Du Tử Lê lại di chuyển vào Sàigòn, rồi thi tuyển vào trường trung học Chu văn An. Mùa hè năm đệ lục, Du Tử Lê cắt bỏ ngón tay thứ sáu mọc bên cạnh ngón tay cái.

(Cự Phách còn có nghĩa là ngón tay cái.)

Năm đệ ngũ, phản ứng lại sự nghiêm khắc của người anh đóng vai trò quyền huynh thế phụ, Du Tử Lê bỏ nhà ra đi, sống tự lập. Đồng thời tự ý xin đổi qua trường Trần Lục. Học tại đây tới năm đệ nhất thì trở lại trường Chu văn An. Sau đó, Du Tử Lê ghi tên theo học tại Đại học Văn khoa Sàigòn.

 

Hoạt động:

Vẫn theo tác giả Lê Vương Ngọc thì do bàn tay sáu ngón và môi trường sống khép kín, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, như những đứa nhỏ bình thường khác, nên Du Tử Lê nhiễm nhiều nữ tính. Cho tới khi Du Tử Lê gia nhập Hướng Đạo ở Sàigòn, nhờ môi trường này mà tính tình bớt e thẹn, nhút nhát...

Du Tử Lê học khóa 13 Thủ Đức, rồi khóa 3 căn bản Tâm Lý Chiến. Đơn vị sau cùng của Du Tử Lê tính cho tới ngày 30 tháng 4-1975 là cục Tâm Lý Chiến. Thời gian này Du Tử là Thư ký tòa soạn Nguyệt san Tiền Phong. Tạp chí này xuất bản hàng tháng dành riêng cho sĩ quan của QLVNCH.

Năm 1969, Du Tử Lê được cử qua Hoa Kỳ theo học khóa căn bản báo chí tại thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ.

Tháng 4 năm 1975, di tản qua Mỹ, định cư tại miền Nam Cali. Năm 1992-1994, ở HoustonTexas chữa bệnh Thyroid. Năm 1994-1995, ở Hoa Thịnh Đốn sau đó, về lại Calif., và sống tại đây cho tới ngày nay.

 

Văn nghiệp:

Du Tử Lê khởi viết rất sớm với nhiều bút hiệu khác nhau, từ năm 1953 thơ được đăng trên tờ báo Măng Non, dành cho thiếu nhi, xuất bản tại Hànội. Mãi tới năm 1957, mới chính thức dùng bút hiệu Du Tử Lê qua một bài thơ đăng trên tạp chí Mai, xuất bản tại Sàigòn. Bút hiệu này được dùng cho tới ngày nay.

Nhiều người cho rằng ý nghĩa của bút hiệu Du Tử Lê là “kẻ lang thang dòng họ Lê”. Có người lại đề quyết rằng bút hiệu này được ghép bởi hai tên Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử. Sự thực theo một bài nói chuyện gần đây của Nguyễn Anh Văn, một trong những người bạn thuở nhỏ của Du Tử Lê, thì ý nghĩa của bút hiệu này là: Đứa con xa mẹ dòng họ Lê. Du Tử Lê lấy bút hiệu này sau khi tình cờ đọc được bản dịch bài Du Tử Ngâm của Mạnh Giao, nói về nỗi lòng của một đứa con sớm phải lìa xa người mẹ.

Tính cho tới tháng 11 năm 2009, Du Tử Lê đã in tất cả 50 tác phẩm, trong số này có 20 tác phẩm là thơ. Một số cuốn được tái bản nhiều lần. Đáng kể nhất trong số những thi phẩm của Du Tử Lê xuất bản ở hải ngoại là cuốn “Thơ Tình / Love Poems” được in tới lần thứ tư, trong vòng hơn mười năm kể từ ấn bản thứ nhất in năm 1984.

Năm 1973, thi phẩm “Thơ Du Tử Lê 1967-1972” (còn gọi là “Thơ Du Tử Lê II”) được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn Thơ năm 1973. Sự việc này khiến cho một trong hai tác giả của bộ “Thi Nhân Tiền Chiến” là ông Hoài Thanh, viết một bài rất dài cho đọc trên đài phát thanh Hà Nội trong đêm giao thừa năm đó, để lên án thi phẩm Thơ Du Tử Lê. Ông Hoài Thanh đã không ngần ngại gọi Du Tử Lê là Nhà thơ tư bản, và kết án Du Tử Lê là "nhận tiền của Mỹ ngụy dùng thơ văn lãng mạn để làm giảm sút tinh thần chiến đấu của thanh thiếu niên miền nam Việt Nam."(!!!)

Trong buổi phát thanh ngày 17 tháng 4-1975, đài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã kêu án tử hình khiếm diện Du Tử Lê cùng với Phạm Duy và Mai Thảo.

Tờ Thái Bình số đề tháng 12 năm 1975, xuất bản tại California, một lần nữa lại nêu đích danh và trích dẫn thơ Du Tử Lê để kết luận rằng Du Tử Lê là một trong vài nhà thơ miền Nam chủ tâm dùng thơ văn để ru ngủ tâm hồn thanh thiếu niên miền Nam, khiến cho họ sao nhãng "tinh thần chống Mỹ cứu nước" (!!!)

Trong khi đó, trên thực tế, thơ Du Tử Lê không chỉ gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở miền nam Việt Nam yêu thích mà ảnh hưởng này còn lan tràn mạnh mẽ ở cả miền Bắc nữa. Bằng chứng, sau tháng 4 năm 1975, toàn bộ tác phẩm của Du Tử Lê bị cấm lưu hành ở Việt Nam, mười năm sau, một tác giả lớn lên trong chế độ Cộng sản, nhà thơ nữ Hương Trà, được báo chí Cộng sản ngợi ca là mũi nhọn thi ca mới của chế độ Cộng sản, hay như tờ Lao Động ca ngợi là "một dòng thơ táo bạo"...; Vậy mà trong thi phẩm “Qua Cơn Mê”, do nhà xuất bản Trẻ, Sàigòn ấn hành năm 1993, nơi trang 29, có bài “Lối Tình”. Mà bài thơ này lại cóp gần như nguyên văn bài thơ “Khi Tìm Nhau” của Du Tử Lê. Bài thơ “Khi Tìm Nhau” của Du Tử Lê đã đăng tải trên tờ tạp chí Văn, Sàigòn 1973 và sau đó, in lại trong tập Đời Mãi Ở Phương Đông, do nhà Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản năm 1974, Sàigòn.

Vụ đạo thơ này do chính các tờ báo của chế độ cộng sản như báo Phụ Nữ, báo Tuổi Trẻ, vân vân... phát giác vào tháng 11 năm 1993. Sự thực có thể vì tác giả Hương Trà quá yêu thơ Du Tử Lê, thuộc và nhập tâm lúc nào không hay. Khi viết ra đã quên bẵng đó là thơ của Du Tử Lê.

Sở dĩ báo chí Cộng sản làm lớn vụ Hương Trà "đạo thơ" của Du Tử Lê trên báo vì vụ đạo thơ quá rõ ràng, quá lộ liễu, chứ trên thực tế thơ Du Tử Lê ảnh hưởng rất lớn tới nhiều thế hệ làm thơ ở Việt Nam, từ cách đặt nhan đề dài cho tới những dấu chấm, phết, vân vân...

Trên tạp chí Văn Học số Xuân, đề tháng 1 năm 1975, nhà văn Lê Huy Oanh, trong nhóm Sáng Tạo đã có một bài viết nhìn nhận nỗ lực cách tân thể thơ Lục Bát của Nhà thơ Du Tử Lê. Đó là chủ trương chia lại nhịp đi của lục bát. Trước Du Tử Lê lục bát được xây dựng trên nhịp chẵn hay nhịp 2 đều. Du Tử Lê chủ trương mang nhịp lẻ, hay nhịp chỏi đến cho lục bát. Thử nghiệm này ông đã bắt đầu từ năm 1966 với bài Lục Bát, 66, đăng trên tạp chí Văn, 1966, xuất bản tại Sàigòn.

Sau đó, trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Thế Kỷ 21, số 29 đề tháng 9 năm 1991, nhà thơ Nguyên Sa viết: "Tôi biết thơ Du Tử Lê thật hay, lúc ở Việt Nam, tôi thấy Du Tử Lê làm thơ được, những năm đầu ở Mỹ, tôi thấy thơ Lê hay hơn trước. Bây giờ tôi nghĩ rằng Du Tử Lê đã đi xa hơn những người làm thơ cùng thời với anh một quãng đường trông như gang tấc mà trong thơ, xa vạn dậm."

Nhà văn Bùi Bảo Trúc trong một bài nói chuyện về thơ Du Tử Lê tại Đại học Luật khoa George Mason, Hoa Thịnh Đốn ngày 17 tháng 9 năm 1993, sau khi trưng dẫn nhận định của Nguyễn Hưng Quốc về lục bát của Du Tử Lê rằng "Du Tử Lê rất tự giác trong việc đổi mới lục bát, đặc biệt ở khía cạnh nhịp điệu. Thơ ông có cách ngắt nhịp lạ. Ông đưa vào những cách ngắt nhịp mới chưa từng có trước ông. Nhận định về nỗ lực đổi mới nhịp Lục bát, Nguyễn Hưng Quốc cho rằng đóng góp của Du Tử Lê không thể không công nhận được." Nhà văn Bùi Bảo Trúc đã đi đến kết luận: "...Nhưng Du Tử Lê vẫn là người lâu nhất, gần gũi nhất, và có những đóng góp lớn nhất với lục bát. Công của ông thật lớn."

Nhà văn Mai Thảo phát biểu trong ngày ra mắt thi phẩm “Thơ Tuyển Tô Thùy Yên” của nhà thơ Tô Thùy Yên vào ngày 20 tháng 10-1995, ở miền nam California, phát biểu rằng, trong nửa thế kỷ thi ca Việt Nam, bằng vào ghi nhận của riêng ông, thì Việt Nam có tất cả 7 ngôi sao Bắc Đẩu đó là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê và Tô Thùy Yên. (*)

Theo ghi nhận của chúng tôi thì có lẽ nhà thơ Du Tử Lê là người có nhiều câu thơ sớm trở thành thành ngữ của thời hiện đại, thí dụ như những câu thơ “ở chỗ nhân gian không thể hiểu”, “đi với về cũng một nghĩa như nhau”, “hoặc tôi với người chung một trái tim”, “tan theo ngày nắng vội”, vân vân... Những câu nói này vốn là thơ của Du Tử Lê, sau người ta dùng quen, đến độ khi dùng chúng, người ta không cần chú thích, cũng chẳng cần mở đóng hai ngoặc kép nữa. Những câu thơ khác như “trong tay thánh nữ có đời tôi”, hoặc “vì em tôi đã làm sa di...”, người ta thay đổi một hoặc hai chữ để thành một câu nói cửa miệng của một số người trong những trường hợp khó nói hoặc không muốn nói rõ.

Tuy nhiên điều đáng nói ở đây về nhà thơ Du Tử Lê là, thơ cũng như văn của ông đã được dùng để giảng dậy hoặc làm tài liệu nghiên cứu tại một số đại học (ban cao học) Âu châu và Hoa Kỳ. Gần nhất, tháng 3 năm 1997, Multi Language of The World thuộc Khu Học Chánh Forthworh, Dallas, đã bắt đầu dùng một số thơ trích từ cuốn “Love Poems / Thơ Tình” để giảng dậy cho các sinh viên theo học môn Xã Hội học, Văn học Việt Nam.

Đặc biệt, thơ Du Tử Lê đã được tuyển chọn và chuyển dịch sang Anh ngữ, in trong cuốn “Understanding Viet Nam” của Giáo sư Neil L. Jamieson. Cuốn này bản bìa cứng in năm 1993, bản bìa mềm in năm 1995, bởi nhà University of California Press Berkeley and Los Angeles, California và University of California Press LTD., London, England, là cuốn sách giáo khoa về chính trị, văn học Việt Nam giai đoạn 1932 tới 1975. Cuốn sách này đã và đang được dùng để giảng dậy tại các Đại học Berkeley, UCLA và London, Anh quốc.

Du Tử Lê có thơ đăng tải trên Nhật báo Los Angeles Times, số Sunday, August 14, 1983, tức số báo chủ nhật.

Hiện nay nhà thơ Du Tử Lê sống tại miền nam Cali với gia đình.

(Source:http://www.dutule.com/D_1-2_2-132_3-132/dutule.html)

Nguyên Sa - Nhà giáo - Nhà thơ

Tiểu sử

Nguyên Sa tên thật Trần Bích Lan, sinh năm 1932 tại Hà Nội.

Du học Pháp từ thuở niên thiếu và đậu cử nhân văn chương, Nguyên Sa về Việt Nam sau hiệp định Genève năm 1954 và làm ngạc nhiên nhiều người vì khả năng xử dụng tiếng Việt tuyệt vời của ông. Ông sinh sống bằng nghề giáo sư dạy Triết và rất thành công.

Thơ Nguyên Sa trữ tình, lãng mạn, giàu nhạc điệu, chất chứa sáng tạo trong ngôn ngữ cũng như hình ảnh, đôi khi pha lẫn thi tứ triết học.

Ông tỵ nạn cộng sản tại Mỹ từ năm 1975 và từ đó làm báo. Ông đã từ trần ngày 18-4-1998 tại Orange County, Nam California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 68 tuổi.

*************************************************************************************************************

Nguyên Sa (sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội[1]- mất 18/4/1998) tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi mười ba", "Tháng Sáu trời mưa", v.v.

Tổ tiên Nguyên Sa gốc ở Thuận Hóa (Huế), ông cố ông là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội.
Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư đi Hà Đông. Tại đây, ông bị Việt Minh bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949.

Năm 1953, ông đậu tú tái Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.
Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước.
Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời.
Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.

Ở Sài Gòn, Nguyên Sa dạy triết tại trường Trung học Chu Văn An, đồng thời mở lớp tại nhà dạy triết cho học sinh chuẩn bị thi tú tài 2. Ông cũng có thời gian dạy triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Ông mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi.
Ngoài hai trường nhà, ông còn cộng tác với nhiều trường khác ở Sài Gòn như: Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền.

Tại Việt Nam, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện Đại. Tạp chí này được xem là một trong ba tạp chí sáng tác hàng đầu của Việt Nam, cùng với Sáng Tạo và Thế Kỷ 20.
Qua Hoa Kỳ, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Đời, trung tâm băng nhạc Đời và nhà xuất bản Đời.

Về phương pháp làm thơ, Nguyên Sa có thuyết cho rằng vần thơ nếu luôn luôn thật sát thì sẽ nhàm chán. Vần không sát hẳn, thậm chí lạc vận, nếu sử dụng đúng cách, đúng chỗ, vẫn ra một bài thơ hay. Ông nói nhiều về thuyết này trong Nguyên Sa - Hồi Ký. (Trích: "Vần thơ có vần chỉnh, vần thông, vần cưỡng áp và lạc vận. Vần chỉnh không cần sự hỗ trợ, không cần sự phối âm, nhưng sự sử dụng những nền âm thanh khác biệt có khả năng làm cho vần thông trở thành vần chỉnh, vần cưỡng và ngày cả vần lạc cũng được nắm tay giữ được trong khoảng không gian giữa trời, giữa đất mênh mông.")

Thơ Nguyên Sa có một số bài được biết đến nhiều hơn qua những bài hát do nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc: Áo lụa Hà ĐôngTuổi mười baParis có gì lạ không em,Tháng sáu trời mưa.

**************************************************************************************************************

Buổi Sáng Học Trò

Trang sức bằng nụ cười phì nhiêu

Nhẩy bằng chân chim trên giòng suối cạn

Ấy là em trên đường đi buổi sáng

Trăng ở trên môi và gió ở trong hồn

Mái tóc mười lăm trên lá tung tăng

Em ném vào phố phường niềm vui rừng núi

Vẽ lên chiếc xe sơn xanh dáng thuyền trẩy hội

Cho những vườn hoa cầm đôi mắt bình yên

Gửi những cung đàn tiếng guốc khua vang

Hẹn đám mây xanh vịn cánh tay tuổi trẻ

Khoác giọng nói tin yêu vào hồn anh đóng cửa

Với biển là tay và sóng cũng là tay

Để anh trở thành hải đảo bị bao vây

Để đáy mắt san hô thêm nước ngọt

Như con dế mèn cánh đau vào buổi sáng

Nhìn theo em uống từng giọt sương hoa

Anh chợt nghe mạch đất đưới chân đi

Anh chợt nhớ trong hồn đôi cánh trắng.

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2010

Buổi Sáng Học Trò - Nguyên Sa


Trang sức bằng nụ cười phì nhiêu
Nhẩy bằng chân chim trên giòng suối cạn

Ấy là em trên đường đi buổi sáng
Trăng ở trên môi và gió ở trong hồn

Mái tóc mười lăm trên lá tung tăng
Em ném vào phố phường niềm vui rừng núi

Vẽ lên chiếc xe sơn xanh dáng thuyền trẩy hội
Cho những vườn hoa cầm đôi mắt bình yên

Gửi những cung đàn tiếng guốc khua vang
Hẹn đám mây xanh vịn cánh tay tuổi trẻ

Khoác giọng nói tin yêu vào hồn anh đóng cửa
Với biển là tay và sóng cũng là tay

Để anh trở thành hải đảo bị bao vây
Để đáy mắt san hô thêm nước ngọt

Như con dế mèn cánh đau vào buổi sáng
Nhìn theo em uống từng giọt sương hoa

Anh chợt nghe mạch đất đưới chân đi
Anh chợt nhớ trong hồn đôi cánh trắng.