Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Cánh Hải Âu Trần Trọng San (1930-1999) - Vien Linh -NguoiViet

Cánh Hải Âu Trần Trọng San (1930-1999)





VIÊN LINH

 

Vào một ngày tháng 8 (19 tháng 8, 1999) dịch giả ba bộ “Ðường Thi,” tác giả “Thi pháp Thơ chữ Hán,” và bộ “Hán Việt tự điển,” Giáo Sư Trần Trọng San qua đời tại Canada.

Giáo Sư Trần Trọng San (1930-1999), ảnh chụp 1975. (Tài liệu của Viên Linh)

Ông sinh ở Hà Nam, Bắc Việt Nam, lớn lên ở Hải Dương. Ông dáng người nhỏ, nơi các giảng đường Ðại Học Văn Khoa, Sư Phạm, Sài Gòn, Cần Thơ, Ðà Lạt, Huế, ông dễ lẫn vào với đám sinh viên. Con người ấy dung dị đến mức và âm thầm quá mức. Người ấy, đối với tôi, là một người có sức sống nội tâm vô vàn phong phú, bay bằng cánh lớn trên bao la, đêm ngày tâm sự với Thiên Cổ, đàm đạo với Thánh Hiền. Tầm mắt anh lúc nhìn cùng Ðào Tiềm, khi ngó với Khuất Nguyên. (Khuất Nguyên nước Sở thời Chiến Quốc, ông vua của thơ lục ngôn. Có những ai làm thơ 6 chữ trong các thi sĩ Việt Nam?) Phải chăng do đó, bài khẩu thi mà trưởng nam của anh, anh Trần Trọng Tuyên cho tôi, cũng là một bài thơ 6 chữ? Anh San phải yêu thơ 6 chữ lắm. Anh Trần Trọng Tuyên nói bố cháu làm bài thơ này, không có nhan đề, có thể coi là di chúc.

Dường như rất ít khi Trần Trọng San đăng thơ mình. Anh dịch thơ người có cả nghìn bài, thơ của anh, hầu như chưa ai được đọc. Vì sao? Phải chăng, như Lý Bạch ở lầu Hoàng Hạc, thấy thơ Thôi Hiệu vịnh hạc vàng ở trên tường, anh ngại đưa thơ mình cho bá tánh? Phải chăng dịch thơ nhiều quá, anh ngại thơ mình so với thơ nghìn xưa?Nhìn cùng Khuất Nguyên với Ly Tao, anh còn nhìn cùng các thi sĩ Ðời Ðường, để thấy mon men với thơ là tới với miếu đền nhân loại, không phải trò múa bút của đám văn đinh. Một chữ của anh viết ra, là năm, mười chữ đã so sánh gạn lọc mà thành. Dịch cả ngàn bài, nhưng làm, chỉ có vài chục. Người ấy, vào năm 1957 cho xuất bản Thơ Ðường, quyển I, (Bắc Ðẩu Sài Gòn xuất bản, 208 trang, đã tái bản ít nhất 5 lần), năm 1962 cho xuất bản Thơ Ðường II (Bắc Ðẩu, 238 trang, tái bản nhiều lần), và năm 1973 in Thơ Ðường III, (Bắc Ðẩu, 300 trang), là người vào lúc cuối đời, viết một cuốn sách ít ai có thể viết: “Thi pháp Thơ chữ Hán,” (Bắc Ðẩu, Scarborough, 148 trang, 1998). Anh Trần Trọng San chỉ viết cuốn sách về thơ, và kỹ thuật làm thơ, 41 năm sau khi đã dịch vài ngàn bài thơ, và làm vài chục bài thơ.

Tôi giữ được nhiều lá thư nhỏ, ngắn gọn, viết trên giấy có kẻ dòng. Bìa thư, bao giờ anh cũng lấy bút chì và thước kẻ, kẻ 3, 4 dòng mờ mờ, rồi mới lấy bút mực, viết tên và địa chỉ. Lần nào thấy phong bì thư anh, tôi cũng thấy mấy dòng kẻ chì ấy, như lá thư cuối cùng gửi cho tôi, đề ngày 18 tháng 6, 1999. Trong ngày 17 tháng 3, 1999, anh tặng tôi cuốn biên khảo mỏng, nhưng cực kỳ công phu về thơ, của anh: cuốn sách chỉ có 148 trang, nếu bỏ phần dẫn nhập 2 trang và phần lý lịch sách, thì nó chỉ còn có 128 trang, nhưng anh đã tham khảo tới 44 tác phẩm, cả Hán văn, Pháp, Anh và Việt ngữ, để viết ra 128 trang đó. Hai ngày sau lá thư đó, là ngày 19 tháng 3, 1999, Anh San làm một bài thơ, chẳng khác gì một di chúc, bài Hải Âu Bên Thác Niagara Fall. Và 5 tháng sau anh trở thành Hải Âu Phi Xứ:

Nếu như còn có kiếp mai sau

Tôi chỉ mong làm kiếp Hải Âu.

(Trần Trọng San, Hải Âu Bên Thác Niagara Fall, di cảo)

Lúc này là 2 giờ chiều Thứ Bảy, 21 tháng 8, tức là 5 giờ chiều, giờ Canada. Trưởng nam của anh nói với tôi đêm hôm trước: “Theo ý bố cháu, xác sẽ được hỏa thiêu, rồi mang tro cốt thả xuống thác Niagara. Bố cháu muốn làm chim Hải Âu ở đó. Ngày mai, tang lễ cử hành lúc 10 giờ sáng.”

Anh thận trọng mở đầu bài thơ bằng chữ Nếu:

Nếu như còn có kiếp mai sau

Tôi chỉ mong làm kiếp hải âu.

Anh vốn thận trọng nên mới dùng một từ giả định, mới viết chữ Nếu. Ngay khi viết chữ ấy, anh đã tin rằng đương nhiên đời “còn có kiếp mai sau.” Hơn mười ngày sau, anh San hẳn đã toại nguyện. Hôm Thứ Tư, mồng 2 tháng 9, 1999, nhằm ngày 12 tháng 7 Âm lịch Mậu Dần, tro cốt anh đã được thả xuống dòng sông Niagara. Tuần trước hỏi anh Tuyên sẽ thả tro ra sao, anh Tuyên nói tro sẽ thả xuống khúc sông này, và dòng sông nhập vào thác Niagara ở quãng dưới. Khi tôi viết tiếp những dòng này, hẳn anh đang lượn lờ giữa khoảng mênh mông của bụi nước, tiếng thác, giữa trời mây tần thủy, ca hát với thinh không.

Nếu như còn có kiếp mai sau

Tôi chỉ mong làm kiếp hải âu

Sống nhởn nhơ trên dòng thác nước

Nhìn thế gian chất ngất lo sầu

........

Làm sao cho bằng kiếp hải âu

Chẳng phải lo, phải nghĩ, phải sầu.

Thế gian ơi!

Vĩnh biệt mi trong kiếp mai sau.

Hải âu ơi!

Hẹn cùng mi ríu rít bên nhau.

Làm trong mơ đêm 19 tháng 3, 1999

(“Làm trong mơ” là chữ của anh ghi dưới bài thơ.)

Các sách Trần Trọng San đã in ở hải ngoại gồm có:

-Hán Văn: Sách Tự Học Tiếng Hán Cổ (văn ngôn), Hệ Thống Chữ Hán - Lục Thư - Quy Tắc Viết Chữ - Cách tra từ điển - Các Bộ Chữ - “Tân Quốc Văn” - Trung Quốc Văn Tuyển - Trung Quốc Văn Phạm - Bảng Tra Chữ Giản Thể (giá bán gồm cả bưu phí 24 Mỹ kim).

-Bạch Thoại: Sách Tự Học Tiếng Hán Hiện Ðại. Hệ Thống Thanh Âm Của Tiếng Quan Thoại (phổ thông)- Các Bài Học Cơ Bản- Ðàm Thoại- Trung Quốc Hiện Ðại Văn Tuyển- Ngữ Pháp Bạch Thoại. (như trên, 24 Mỹ kim)

-Thơ Ðường: Tìm hiểu nguyên nhân hưng thịnh, trình bày quá trình diễn biên của thi ca đời Ðường.Lược thuật tiểu truyện, tuyển dịch 274 bài thơ của 98 thi nhân thời này.

Cánh hải âu trên thác Niagara, ước mơ kiếp sau của Giáo Sư Trần Trọng San, như trong di cảo để lại.

-Lý Bạch, Ðỗ Phủ, Bạch Cư Dị: Tường thuật tiểu truyện, phẩm bình phong cách, tuyển dịch 184 bài thơ của ba thi hào đời Ðường.

-Thơ Tống: Trình bày quá trình diễn biến của thơ đời Tống. Lược thuật tiểu truyện, tuyển dịch 123 bài thơ của 48 thi nhân thời này.

-Ðường Tống Từ Tuyển: Từ là lời ca của điệu nhạc, thường làm theo thể thơ trường-đoản cú. Sách trình bày tường tận về khởi nguyên của từ, quá trình diễn biến của từ, từ thời Trung Ðường cho đến hết thời Nam Tống. Lược thuật tiểu truyện, tuyển dịch 171 bài của 45 từ gia đại biểu của thời kỳ này.

-Hán Việt từ điển (soạn chung với Trần Trọng Tuyên): Gồm hơn 10 ngàn chữ với thí dụ thuyết minh là những từ ngữ, thành ngữ thường dùng trong văn ngôn và bạch thoại. Bên cạnh phiên âm Hán Việt có in kèm chú âm Trung Quốc (tiếng phổ thông). Phần phụ lục gồm có bảng tra chữ giản thể, bảng tra chữ theo vần ABC, Bảng nêu sự tương ứng giữa phiên âm Hán Việt với chú âm Trung Quốc (xem bài điểm sách của Giáo Sư Ðàm Trung Pháp, Khởi Hành số 21 tháng 7, 1998).

Khoảng 1973, Trần Trọng San viết bài Văn Học Hiện Ðại Trung Quốc. Chính bài viết đó cho biết anh không chỉ là một giáo sư, một học giả Hán văn, anh còn là một người đi sát với thời sự, ít ra là thời sự văn hóa. Không theo dõi thời sự, anh không thể viết được một bài như thế. “Trước lồng lộng không thời gian,” câu thơ ấy của anh, trong bài thơ khẩu khí, cũng là các tác phẩm của anh trong Văn Học Việt Nam cuối thế kỷ XX.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cháu chào bác,
Cháu tên Nguyễn Văn Sướng, làm biên tập viên nhà xuất bản.
Hiện cháu đang liên hệ xin bản quyền xuất bản các tác phẩm của bác Trần Trọng San, nay cháu biết anh Trần Trọng Tuyên là trai trưởng của bác Trần Trọng San. Vậy cháu rất đa tạ nếu bác có thể giúp cháu liên hệ được với anh Trần Trọng Tuyên.
Cháu cảm ơn nhiều ạ.