Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Kinh Khủng Khiếp - huấn luyện xì-tin chó Paplov ở nước Nam

Chắc cô cậu nào từng mài đủng quần đủng váy dưới mái trường sở huị chủ nghĩa hẳn biết chuyện thí nghiệm về phản xạ có điều kiện của động vật do giáo sư xứ nga-la-tư Paplov. Đaị khái là thế này: cho chó miếng bánh & bắt sủa gâu gâu. Tập mãi thì chó cứ thấy bánh là sủa.

Boác Hù ta tài hơn Paplov. Boác tập làm thao í mà cán bộ đoảng viên ta nhất là các đấng công an & văn thi sỡi có vài thứ phản xạ có điều kiện rất tài.

Ví dụ:
  • như nói về chị Hằng thì thi nô tố hù viết trăng NiênXÔ Chunkuốc tròn hơn trăng Mẽo???
  • như nói vế tù nhân lưong tâm thì bao giờ củng "không có đâu à nghen". em thúi thanh rất tài trong cái vụ chối đây đẩy
  • ví dụ như nói về chuyện khựa nó hiếp thì cứ "biết rùi nói mãi" với "anh em thui mà nhịn tý lở gì thì chết mấy thèng ngư rân thôi..."
  • hơi có tý càm ràm cái maison d'eau thì tức thị công an cho ăn bánh 'giầy' và sau đó thủ phạm sẻ tự tử vì quá xí hồ. trước khi chít trong tù còn có giấy bút mà thảo thơ (bị) cách (cái) mạng nửa cưa chứ!!!

Kết cuộc mới thấy Boác & Đoảng tài chi lạ. Cái giống "vô loại" mà tập cho chúng có được các thứ phản xạ như sủa nhé, cắn nhé, bullshit nhé, nói láo nhé, kiss-ass nhé thì tài ngang tề thiên đại thánh!!!



We The People ... Giao chi

We the People…

Chúng tôi là người dân Hiệp Chủng quốc.

Dân quyền tại Mỹ.

Hai trăm ba mươi sáu năm trước, ông Thomas Jefferson đã viết bản tuyên ngôn độc lập và góp phần vào việc soạn bản hiến pháp Hoa Kỳ. Nhà chính trị gia lỗi lạc với tư tưởng cấp tiến và văn tài xuất sắc đã từng viết nên những hàng chữ lịch sử: “Con người sinh ra bình đẳng.” “Con người có quyền mưu cầu hạnh phúc” và đặc biệt với 3 chữ mở đầu của hiến pháp: “We the People …” chúng tôi là người dân Hiệp Chúng Quốc…

Từ ngày xa xưa đó ý nghĩa quyền của dân trở thành nền tảng của một quốc gia có dân quyền. Từ đó Hoa kỳ độc lập, kiện toàn một nền dân chủ pháp trị. Có tự do, có phân quyền, có cơ hội đồng đều và ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc.

Để biết lòng người mà cai trị, chính quyền đưa ra những câu hỏi về dân sinh mà biết được dân ý qua các kỳ kiểm tra dân số cứ 10 năm một lần.

Bất thức nhân tâm hướng, hà năng cử đại công.”

Không biết lòng người, làm sao lo việc lớn.

Nhưng chưa đủ, báo chí và các cơ quan chuyên môn, luôn luôn có những cuộc trưng cầu dân ý đủ mọi vấn đề, mọi địa phương, mọi sắc dân và trải qua nhiều thời gian. Chức vụ nào và chính khách nào cũng lo “poll” lên hay “poll”xuống.

Ngay từ khi lập quốc các tổng thống Mỹ đều có hộp thư dân ý dưới nhiều hình thức.

Và chúng ta phải nhớ rằng, dù là quốc gia văn minh nhất, lập quốc vào năm 1776 nhưng mỉa mai thay cũng chính nước Mỹ lại là nước có chế đô nô lệ. Tuyên ngôn viết rằng con người sinh ra bình đẳng nhưng một nửa nước vẫn không công nhận da den là con người. Thời đó phần lớn dân da đen ở miền Nam vẫn còn là nô lệ. Nhưng Hoa Kỳ tiến bộ là nhờ biết thay đổi.

Cho đến nay, hơn hai trăm năm sau, bước vào thế kỷ 21 vị tổng thống da đen đầu tiên của Hoa kỳ, tận dụng phương tiện điện toán đã mở ra hộp thơ dân ý hết sức tân kỳ để nhận các thỉnh nguyện thư. Người dân Mỹ tự do lên tiếng.

We the People of USA.

Chúng tôi là dân Hiệp chủng quốc, chúng tôi muốn…

Thỉnh nguyện của Mỹ gốc Việt.

Ngày 7 tháng 2-2012 một người Mỹ gốc Việt cư ngụ tại Garden Grove CA, 47 tuổi tên là Trương Anh Hùng, tức nhạc sĩ Trúc Hồ đã đưa thỉnh nguyện cho Tổng thống Obama. Trúc Hồ, giám đốc của SBTN xin tổng thống Mỹ xem lại vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Hà Nội phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cha Lý, thầy Quảng Độ, bác sĩ Đan Quế, nhà báo Điếu Cày và đặc biệt là nhạc sĩ Việt Khang, người trẻ tuổi mà nhà soạn nhạc Trúc Hồ hết sức quý mến.

Theo thể thức hiện hành, muốn được thỉnh nguyện chính thức in trên trang We the People thì trong thời gian 24 tiếng cần có ít nhất 150 người hưởng ứng. Và để cho vấn đề thực sự được Tổng Thống và nội các quan tâm thì trong vòng 30 ngày đầu tiên cần có 25 ngàn người ghi danh tán thành thì các viên chức của tòa Bạch ốc mới cứu xét. Nhưng thật là bất ngờ, trong ngày đầu tiên đã có hơn 5000 người hưởng ứng, và chưa đầy 4 ngày thì con số đó đã vượt quá 25 ngàn chữ ký ghi danh yểm trợ, đa số là người Mỹ gốc Việt cư ngụ tại khắp các thành phố dù phồn thịnh hay hẻo lánh ở Hoa Kỳ! Bây giờ con số đó đã đạt được, chuyện gì đây mà “hot” một cách mau chóng như vậy. Như bà con trên xứ “mạng” mấy tuần qua đều biết. Con số ghi tên tán thành chỉ mới chưa được nửa tháng đã quá 40,000 và vẫn chưa dừng lại. Theo đà này, trong 30 ngày     kiến nghị về nhân quyền cho Việt Nam có thể đạt được hơn con số 100,000. Đạt kỷ lục của hồ sơ We the People trong triều đại Obama.

Tìm thấy con đường:

Sự tham gia của người Việt vào cuộc đấu tranh biểu dương lực lượng, đồng lòng nhất trí trong mùa Xuân năm Nhâm Thìn tại Mỹ có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Chúng ta cùng thực tập sử dụng loại vũ khí mới mẻ và tân kỳ nhất của nhân loại. Đó là điện toán. Không cần phải đứng lên. Không cần phải họp mặt. Thậm chí không cần phải giơ tay. Chỉ bằng những bàn tay nhấp chuột. Những ngón tay bấm phiếm. Chúng ta ghi danh tán thành trực tiếp gửi vào hồ sơ của Bạch Cung.

Đi theo mê lộ vào thế giới Ảo, chúng ta gặp thẳng tổng thống Hoa Kỳ, chúng ta lên tiếng nói. Bản hợp ca của 50 ngàn hay 100 ngàn rõ ràng là đại diện rất có thẩm quyền cho một triệu 5 trăm ngàn người Việt tại Mỹ.

Thật may mắn chúng ta có một đề tài dễ dàng đồng thuận. Chúng ta có đề nghị hợp lý và hợp thời cho bài toán nhân quyền. Chúng ta có tên tuổi các nạn nhân đủ thành phần tôn giáo, báo chí, trí thức và văn nghệ.

Những nạn nhân bị giam giữ không bản án và tội duy nhất là tội bày tỏ ý kiến. Ý kiến đó không phải là lật đổ chính phủ mà chỉ xin được hưởng những quyền căn bản của con người. Để biểu lộ tâm tình yêu nước.

Bởi vì thân nhân của những người Mỹ gốc Việt chúng ta còn ở Việt Nam thì cũng là những con người.

Nhưng họ không bao giờ được nói : We the People…

Anh là ai :

Trong danh sách những người được đưa lên kiến nghị để tổng thống Hoa kỳ can thiệp lần này có tên một anh nhạc sĩ trẻ tuổi ở Việt Nam. Đó là Việt Khang. Đây là một nhạc sĩ tỉnh lẻ, tỉnh Mỹ Tho. Trước năm 2012 không ai biết đến anh.

Người nhạc sĩ chỉ làm 2 bài ca. Đó là những bài ca đơn giản. Nhạc lý đơn giản, lời ca đơn giản. Nhưng bài ca đã đưa anh vào tù. Không biết giam ở đâu. Bài ca mà tác giả đã phải trả giá đắt có thể bằng tính mạng của mình. Việt Khang suy nghĩ về chuyện Việt Nam đang bị Bắc phương uy hiếp. Anh thấy tuổi trẻ Việt Nam biểu tình chống Tàu. Tuổi trẻ Việt Nam bị đàn áp. Chính anh cũng tham dự với tuổi trẻ Việt Nam. Rồi tuổi trẻ bị công an đàn áp đánh đập. Anh bèn viết bài ca. Ca từ than thở hết sức đơn giản và có cả nét thơ ngây tội nghiệp. Hỏi anh công an. Anh là ai. Tôi có làm gì đâu mà anh lại đánh tôi. Sao mà đánh nhiều thế. Tôi chỉ bày tỏ lòng yêu nước.

Như đã nói, nhạc lý nhẹ nhàng, ca từ than van như lời trẻ thơ. Những lời ca đưa Việt Khang vào tù đã làm cho nhà soạn nhạc Trúc Hồ ở Mỹ hết sức xúc động.

Từ Hoa Kỳ, Trúc Hồ vốn là bộ nhân tỵ nạn đã từng làm nhiều bài ca đấu tranh tràn đầy Việt Nam.

Xin nhắc lại các tựa đề ca khúc của anh. Bước chân Việt Nam, Con đường Việt Nam và Một ngày Việt Nam. Đó là tâm sự Trúc Hồ. Tràn đầy Việt Nam. Mới đây là một loạt các bài Đáp lời sông núi của Trúc Hồ, rồi Phải lên tiếng, Đừng im tiếng bài Cả nước đấu tranh của Anh Bằng. Nhạc sĩ Anh Bằng là người sáng lập Asia và Trúc Hồ là đương kim giám đốc.

Rồi Asia tung ra đĩa DVD Hùng ca sử Việt. Tất cả các lời ca đấu tranh của Asia đã bay về Á Châu và đậu lại ở Việt Nam.

Tuổi trẻ Việt Nam đã nghe được và tiếp tục đứng lên đáp lời sông núi. Đã không im tiếng và đã phải lên tiếng. Và Việt Khang đã bị bắt.

Nhà soạn nhạc chưa được 30 tuổi ở Mỹ Tho vào tù và soạn nhạc ngoài 40 tuổi ở Hoa kỳ trở thành người ghi danh We the people…

Tôi nhân danh người dân Mỹ yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ xem lại vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Hãy can thiệp cho con người không được lên tiếng…

Từ Garden Grove CA, Trúc Hồ mở đường ghi danh. Từ DC tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng giám đốc cơ quan Boat People SOS vốn quen thuộc với chính trường, tích cực góp sức ngay tại thủ đô Hoa Kỳ.

Với chính nghĩa rõ ràng, với ảnh hưởng của Asia và SBTN, được sự góp sức của mọi người trên thế giới tiếp tay và toàn bộ các chi nhánh SOS, chi nhánh SBTN trên đất Mỹ, người mở đường Trúc Hồ trong 1 tuần lễ đã có được trên 40,000 chiến hữu.

Góp sức nhẹ nhàng, ảnh hưởng lớn lao…

 

Trong suốt mấy tuần qua, mỗi đêm ngồi trên máy điện toán tôi vẫn nhận được tin tức về chiến dịch tranh đấu cho dân quyền ở Việt Nam, tranh đấu cho Việt Khang. Những bài ca gửi đến, các cuộc biểu tình với hình ảnh. Email của Phan Nhật Nam, của Nam Lộc, Triều Giang, Nguyễn Đình Thắng của Kinh Doanh, BMH, và rất nhiều thân hữu xa gần. Anh thì cổ động, anh thì chỉ đường vào Bạch Cung. Rồi có lúc tha thẩn tôi vào đọc danh sách các bạn ghi danh. San Jose của tôi khá đông đảo. Có khi thấy tên các bạn ở nơi xa xôi. Bác này chắc con cháu ghi tên hộ vì đã lâu rồi không có lên chơi Internet.

Rồi lại có ông lạc quan bàn về việc chuẩn bị đón cả nhà nhạc sĩ sắp được qua Mỹ.

Quả thực, với một triệu rưỡi người Việt tại Hoa kỳ sau 36 năm lưu vong và xây dựng cộng đồng ở đất nước này chúng ta đang có con đường mới.

Bắt đầu từ 150 ngàn người năm 1975, bây giờ chúng ta nhiều hơn gấp 10 lần, nếu đạt được con số 100,000 người đồng thuận trong kỳ ra quân đầu tiên, đây sẽ là một thành tích kỳ diệu mở đường cho công việc đấu tranh lâu dài về sau.

Tất cả chỉ bắt đầu bằng lời ca than vãn hết sức thơ ngây tại Việt Nam.

Anh là ai, sao anh lại đánh tôi.

Và tại Hoa kỳ người Mỹ gốc Việt

We the People….

Qua máy điện toán, trong không gian kỳ diệu của thế giới ảo, trái đất bây giờ nhỏ bé biết dường nào.

Tiếng hát than thở ở bên kia nghe rõ ở bên này.

Tiếng kêu ở bên này lồng lộng phía bên kia.

Tại sao anh lại đánh tôi.

We the People…

© Giao Chỉ

© Đàn Chim Việt

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Kinh Khủng Khiếp - TƯ hay TW

Không biết tự bao giờ mà đoảng ta lại chơi chử tắt. Thay vì viết ban chấp hành trung ương đảng thì lại viết là ban chấp hành TW. 'Tê' đây là "trung" chớ đừng hiểu lầm là tiền tình tội tủ tự tử nhé. Còn chử 'W' có nghĩa thế lào? Ậy, đúplờvê nghĩa là chử Ư đấy. Chả nhẻ viết BCH-TƯ thì địch (thằng 2Lúa chứ không ai khác) lại móc lò là bọn cơ hội TƯ (not Công) thì xí hổ lắm lắm. Thế mà hôm kia 2Lúa lại tưng tưng phát biểu "ương" đây hàm nghĩa là ươn(g) thối như là cá ươn(g). Theo Tam đoạn luận Lúa-style thời BCH-TƯ nghĩa là ban chấp hành tối cao của đoảng ta đã quá độ lên đến cực đỉnh kỳ ươn(g) thối. trung của ươn(g) cơ mà! Sau đó 2Lúa lại phát hí ngôn rằng boác ta đích thị thông thái vì biết trước sẽ có thèng 2Lúa móc lò nên chi boác đổi luôn TƯ ra TW. hehe. Thật tâm phục khẩu phục sự thái thông của boác!!!

P/S boạn của 2Lúa là 3Ruông lại dựa cột chòi lá Đoàn văn Vươn mà phán TW là tê-wá theo ngôn ngử generation a-còng. Hỏi sao têwá? Kính thưa kák loại, đmá nó, BCH ngồi lâu ăn hại tê mẹ nó cả đít - không tê-wá là gì, hử!!!

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Kinh Khủng Khiếp - 2Lúa giải trình với báo đài quốc tế về sự cố Tiên Lãng

Chuyện giống như vầy:

thằng anh giật đồ chơi của thằng em
thằng em giằng lại
thằng anh bị chảy máu cam do thằng em chống cưởng chế

thằng bố nhảy vô xử lý nội bộ
nạt thằng anh: mày sai - cầm cái đồ chơi đó đi chổ khác mà chơi nhé
phạt thằng em: mày định "tạo phản" à - đập cho năm phát roi mây và cấm túc hai giờ trong nhà xí

đáng đời cho thằng em và thương cho cái mủi của thằng anh
 
& củng khá khen cho cái tài xử án của thằng bố 

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Mậu Thân- Huế, đi tìm những phản đề. Tường An, thông tín viên RFA

Mậu Thân- Huế, đi tìm những phản đề

2012-02-07

Trận chiến Mậu Thân vẫn là một trải nghiệm nghịch lý giữa hai miền Nam Bắc khi nhìn lại con người và sự kiện. Trên Wikipedia, cuộc chiến về Tết Mậu Thân vẫn có hai định đề khác nhau.

Wiki-Commons photo

Hài cốt nạn nhân bị tàn sát tập thể- Wiki-Commons photo


Trong khi một trang đặt tên là "Thảm sát Huế Tết Mậu Thân" đưa lên những con số về các nạn nhân đã bị giết hoặc chôn sống trong các hố chôn tập thể thì ở một trang khác của Wikipedia được gọi rất nhẹ nhàng là "Sự kiện tết Mậu Thân" chỉ nói đến nguyên nhân, quá trình cũng như kết quả của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968.

Trang “Thảm sát Tết Mậu Thân” gọi cuộc thảm sát này là “hành động tàn bạo ở quy mô lớn đã được thi hành ở Huế và vùng lân cận trong 4 tuần do quân giải phóng miền Nam chiếm giữ”  Còn trang “Sự Kiện Tết Mậu Thân”  lại cho rằng “số đông thường dân bị giết chết trong cuộc chiếm lại thành phố Huế bởi đạn pháo kích của Mỹ”

Vợ khóc chồng- quanvan.net photo
Vợ khóc chồng- quanvan.net photo

Ngay cả những con số về cả các chiến binh tử trận cũng không thống nhất. Trang “Thảm sát Tết Mậu Thân” cho biết  “Quân đội Hoa Kỳ và QLVNCH chịu khoảng 4 ngàn 400 lính thương vong và MTDTGPMNVN cũng tổn thất trên 4 ngàn quân” thì ở trang “Sự Kiện Tết Mậu Thân” lại đưa ra bảng thống kê với 44 ngàn 824 bộ đội chết và 4 ngàn 511 mất tích.

Về số thường dân bị chết trong Tết Mậu Thân Huế, số liệu từ các nguồn khác nhau cũng  không thống nhất. Có nguồn nói là 6 ngàn 700, có nguồn lại đưa ra con số 7 ngàn 600 người chết.

Biến cố Mậu Thân đã ghi lại một vết chém lịch sử trong lòng người dân cố đô. Cư sĩ Trí Lực, người đã chôn cất những xác chết nằm lại sau biến cố Mậu Thân không bao giờ quên được nổi kinh hoàng lúc đó:

“Khi đó tôi đang ở chùa Thiên Mụ, tôi về thăm gia đình ngày mùng một Tết, dân  chúng cố đô Huế ăn Tết bình thường, nhưng khuya mùng một rạng mùng hai Tết thì tôi thấy bộ đội Cộng Sản miền Bắc lũ lượt từng đoàn kéo nhau vào.

Vùng tôi ở là Tây Lộc, họ đi vào cửa Chánh Tây nườm nượp. Đúng vào ngày hôm sau thì máy bay hai bên giáp chiến. Cà nông, đại bác diễn ra một trận chiến tranh kinh hoàng. Tôi và gia đình đi tản ở vùng Tây linh, cách vùng Tây lộc khoảng 2 cây số. Trên đường đi tản cư thì tôi thấy rất nhiều xác chết của bộ đội miền Bắc cũng như dân chúng và binh lính Việt nam Cộng Hòa.

Hai mươi sáu ngày sau, sau khi cố đô Huế bình định trở lại thì tôi tận mắt chứng kiến những hầm chôn tập thể được khai quật lên từ vùng Bãi Dâu Gia Hội, những người xấu số đã bị trói quật lại sau lưng và có những mảnh xương sọ bị vỡ nát. Cảnh kinh hoàng là cảnh Cộng sản đã chôn sống bao nhiêu người dân vô tội.  

Khi đó tôi theo hầu Thầy làm lễ cầu siêu  thì tôi chứng kiến hàng trăm cỗ quan tài được khai quật lên từ Bãi Dâu Gia Hội, Sau đó làm một đám tang tập thể đưa từ trường trung học Gia Hội lên nghĩa trang Ba Đồn. Khi đó tôi thấy một cuộc chiến tranh hết sức là kinh hoàng. Bây giờ bốn năm mươi năm nhớ lại tôi vẫn còn in rõ mồn một trong trí của tôi. Thật là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn” 

Nhà văn Đinh Lâm Thanh, hiện sống tại Pháp, cũng là chứng nhân của biến cố Mậu Thân:

“Gia đình của tôi của vùng Phủ cam là một, vùng An vân thượng là hai, Gia Hội là ba. Bà con xa bà con gần của bên họ ngoại của tôi là gồm cả thảy 12 người. Trong 12 người đó, có người bị chôn sống, có người bị bắn tại chổ, có người bị chặt đầu, có người bị mổ bụng”

Cho đến nay vẫn còn có những nghi vấn về trách nhiệm của những người đã nhúng tay vào cuộc thảm sát Mậu Thân Huế. Hai trong những người được nhắc đến nhiều nhất là hai người con của Huế: Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) và Nguyễn Đắc Xuân (NĐX)

Trong một dịp đến Pháp năm 1997 ông HPNT đã trả lời phỏng vấn của bà Thụy Khuê :“Trong “Giải Khăn Sô cho Huế” Nhã Ca nói rằng Phủ (tức HPNT) không về Huế và nếu có về thì cũng không giết người,  thành thật cám ơn chị Nhã ca đã dành cho tôi điều thành thật rất quan trọng này”

Và ông tiếp:

“Đã không có mặt thì làm sao tôi – HPNT- lại có thể làm cái việc ghê gớm gọi là “đồ tể” Mậu Thân ở Huế được”

Đúng thế, ở chương 7 của “Giải khăn sô cho Huế", nhà văn Nhã ca có viết “Tôi hỏi gặng mãi em gái tôi có nhìn thấy Phủ không. Có ai nhìn thấy Phủ không? Nó quả quyết là nó không thấy, cả bạn bè của nó đi họp cũng nói không thấy. Tôi hơi yên tâm và mừng thầm cho kẻ phản bội”

Những hài cốt chưa nhận ra căn cước- WikiCommons photo
Những hài cốt chưa nhận ra căn cước- WikiCommons photo
Trong một bài phỏng vấn do phóng viên Dương Minh Long thực hiện cách đây 4 năm mà trang nhân dân VN đã đăng lại, ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định HPNT không hề có mặt ở Huế mùa Xuân 1968:

“Nhiều dư luận và cả sách báo lâu nay ngộ nhận rằng nhà giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có mặt ở Huế trong tết Mậu Thân 1968. Nhân đây tôi xin đính chính: Suốt thời gian chiến dịch mở ra, nhà giáo (nay là nhà văn) Hòang Phủ Ngọc Tường đều ở tại địa đạo Khe Trái trong vùng núi phía tây huyện Hương Trà để làm việc với các vị nhân sĩ trong Mặt trận Liên Minh chứ không hề bước chân về chiến trường Huế. Cho nên tất cả những “thông tin” nói nhà giáo Hòang Phủ Ngọc Tường làm việc này việc nọ ở Huế trong những ngày tết Mậu Thân 1968 đều là thông tin bịa đặt”

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường là thầy dạy Việt văn trung học của ông Nguyễn Phúc Liên Thành, theo ông Liên Thành thầy giáo HPNT dạy môn Triết và Việt văn rất giỏi, ông giảng rất hay và không bao giờ nhìn vào sách. Ông Liên Thành rất ngưỡng mộ thầy giáo HPNT. Ông Liên Thành nguyên là Trưởng ty Cảnh sát Đặc biệt trong những năm 68. Ông đưa ra 4 bằng chứng để chứng minh ông HPNT đã có mặt ở Huế vào Tết Mậu Thân :

“Tôi xin đưa ra 4 trường hợp để chứng minh HPNT đã không thành thật về việc nói y không có mặt tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân :
Thứ nhất, năm 72 tôi bắt được tên trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan, chính Hoàng Kim Loan khai rằng y và Hoàng Lanh như là Hoàng Phương Thảo là Ủy viên thành phố Huế. Khi thành lập tòa án Nhân dân tại Huế thì chính ba cán bộ thành ủy này đã đề cử HPNT vào ghế Chánh án tòa án Nhân dân tại trường trung học Bãi Dâu Huế.

Cái thứ hai, theo lời tường trình của một số nhân chứng xác nhận rằng kẻ ngồi xử tại tòa án Nhân dân Huế tại trường trung học Gia Hội vào năm 1968 và kết quả sau đó chúng tôi đã khai quật 204 xác nạn nhân tại trường trung học. Cái người ngồi xử đó chính là giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường nguyên là giáo sư về môn Triết và Việt văn ở Huế.

Cái xác nhận thứ ba: Định là sinh viên y khoa năm thứ hai Huế, cũng là bạn của Hoàng Phủ Ngọc Phan, em HPNT, xác nhận rằng, trong những ngày đầu của Tết Mậu Thân thì chính HPNT và HPNP đã đến nhà ông Định ở đường Nguyễn Du để tìm bắt ông Định. Chính HPNT đứng ở ngoài và HPNP vào nhà để tìm bắt nhưng cha ông Định đã nói một cách để che chở, cuối cùng ông Định trốn trong nhà mà không bị bắt.

Nhưng cái điều quan trọng là chính HPNT đã xác nhận có mặt trong thời gian biến cố Mậu Thân xảy ra. HPNT có trả lời phỏng vấn với một nhà làm phim Mỹ, phim “VietNam Television History” của ông Burchett. Y nói rằng  y đã từng đứng ngay trong một bệnh viện tại vùng Gia Hội, bệnh viện này đã bị Mỹ thả bom và trong đêm đó y dẵm lên một vũng bùn, y tưởng đó là bùn, khi mà y bật đèn thì thấy toàn là máu cả. Điều đó cho thấy sự hiện diện của HPNT tại bệnh viện ở trường trung học Gia Hội”

Riêng về sinh viên Nguyễn Đắc Xuân, năm 66 là trưởng đoàn thanh niên quyết tử và năm 68 là trưởng đoàn Thanh niên vũ trang thành phố Huế còn gọi là Lực lượng an ninh và bảo vệ khu phố. Trong giải khăn sô cho Huế, nhà văn Nhã ca có nhắc đến sinh viên NĐX đã giết một người tên là Mậu Tý, ông Liên Thành cũng khẳng định chi tiết này:

“Nguyễn Đắc Xuân sử dụng hầu hết các cơ sở nằm vùng, chia ra từng toán, lục soát từng nhà một tìm bắt ngụy quân, ngụy quyền và nhiều cuộc xử bắn đã xảy ra.

Sau này NĐX có chối tội nói rằng là trong trận đánh Huế thì tôi ở tuyến sau chứ không ở tuyến đầu. Nhưng nhiều nhân chứng đã kể lại những hành động dã man của NĐX trong đó NĐX đã bắn người bạn rất thân của nó là sinh viên Lê Mậu Tý vì nghi Lê Mậu Tý làm việc cho cơ quan tình báo của Việt Nam Cộng hòa hoặc là đảng viên đảng Đại Việt.

Ngoài ra những cuộc hành quyết tại quận nhất, quận nhì và quận ba đều là do lực lượng an ninh bảo vệ khu phố của NĐX thi hành. Như bà Thái Hòa đã nói chính HPNP và NĐX đã bắn hai người anh của cô ta và bắn luôn ông nội của cô ta trước sự chứng kiến của bà Nguyễn thị Thái Hòa.

ôi hy vọng một ngày rất gần, Ban Truy tố tội ác đảng CS do tôi đang lập hồ sơ để truy tố những tên này ra tòa án Quốc tế để nó phải trả lời trước dư luận Quốc tế và mong rằng đem lại sự công bằng, công đạo cho những người đã chết trong Mậu thân 68 Huế”

Câu hỏi vẫn thường được đặt ra là : Ai là kẻ thắng, người thua sau cuộc chiến này?

Quân lực VNCH và đồng minh đã thắng vì đã đánh bật quân Bắc Việt ra khỏi Sài Gòn và Huế.  Hay quân đội Bắc Việt đã thắng vì sau tổng tiến công Mậu Thân, VNDCCH đã áp lực được Mỹ ngồi vào bàn hội nghị? Trong cuộc chiến này, có lẽ không có kẻ thắng hay người thua mà chỉ có người dân là nạn nhân, oằn mình chịu đựng bao nỗi oan nghiệt của chiến tranh.

Nhà báo Bùi Tín, nguyên phó Tổng biên tập báo QĐND, cho biết quan điểm của ông:
“Mậu thân thì tôi đang công tác ở Hà Nội. Riêng về Tết Mậu thân thì ý kiến của tôi như thế này: Cuộc tổng tiến công và nổi đạy của phía Bắc Việt là thất bại nặng nề. Tất cả các đơn vị đều bị đánh ra khỏi các đô thị. Với cái tổn thất mà đến 2 năm sau mới phục hồi được, như vậy đánh giá về thực chất thì Bắc Việt đã thất bại rất nặng nề, do chủ quan, do không nổi dậy, do có tập kích rộng rãi những không giữ được do đó thiệt hại rất nặng đến 2, 3 năm sau.

Các cơ sở lộ hết, nhất là ở đô thị cơ sở mất hết và ở nông thôn cũng mất từng mảng lớn và phải tạt qua tận Cam-bốt. Do đó mà phía đồng minh đã thắng, nhưng đã không duy trì được chiến thắng, tình báo kém lại bị cái tuyên truyền phản chiến ở Mỹ thổi phồng chiến thắng của Việt Cộng lên nên Quốc hội Mỹ rút khỏi chiến tranh VN.

Do đó mà chiến thắng không được phát huy. Thực chất là chiến thắng nhưng lại chuyển thành thất bại. Chiến tranh là thất bại của nhân dân cả hai phía. Tôi thấy là cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn mà trong lịch sử chưa bao giờ mà cả hai bên chết đến như thế.   

Sinh mạng chết nhiều như thế mà nếu đất nước thống nhất mà có Tự do, Dân chủ thì đó cũng là điều an ủi. Đằng này tổn thất đến như thế, hòa bình trở lại, thống nhất được đất nước mà cũng không có hạnh phúc, không có hòa hợp dân tộc, cái tội của đảng Cộng sản rất là lớn, rất là nặng nề là như thế"           

Khai quật xác người bị CS tàn sát- Wiki-Commons photo
Khai quật xác người bị CS tàn sát- Wiki-Commons photo

Trả lời nhà phê bình văn học Thụy Khuê về trách nhiệm thuộc về ai cho cuộc thảm sát ở Huế, HPNT cho biết ông Lê Minh, tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân nói rằng:

“Trách nhiệm đó thuộc về những người lãnh đạo mặt trận Mậu Thân…. Điều quan trọng có thể làm và phải làm bây giờ, là những người kế nhiệm ở Huế phải thi hành chính sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân Huế, trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ”

Trong khi chờ đợi những thân nhân của những nạn nhân Mậu Thân Huế được trả lại công bằng và quyền công dân như nguyên Tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân đã nói thì xin coi những hồi tưởng này, theo lời của nhà văn Nhã Ca, như “một bó nhang đèn góp giỗ. Và góp cho một ngày giỗ tương lai tại quê hương, nơi từng biết thế nào là tình yêu thương, sự ăn ở tử tế, như từng biết thế nào là văn hóa, lịch sử"

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Viết từ xứ đồng bắp 36 - "Sao anh không hỏi những ngày còn... không?"

"Sao anh không hỏi những ngày còn... không?"

Câu hỏi của người con gái là một lời khẳng định muộn màng khi sự đời đã lỡ! Em đã có chồng. Anh sao không hỏi người ta sơm sớm tý. Bây giờ câu hỏi thay câu trả lời của nàng khiến chàng lạnh toát y như sáng sớm mùa đông lại bị tưới nguyên một xô nước lạnh!

Hồi xưa - khi còn "bé" - ai mà chẳng tương tư một bóng hồng. Chính vì cái ngây dại của tuổi trẻ mà nhiều chàng ôm hận thiên thu. Suốt đời tự rủa xả sao hồi đó mày nhát thế sao không hỏi em một câu để cho giờ này tiếc nuối.

Tuy duyên tình bất toại nhưng chả ai trách chàng sao quá nhát hay trách nàng sao... vội sang ngang. Cái sự ngây thơ, trong trắng, và thánh thiện của tuổi trẻ đẹp ở chổ không dám ngỏ lời đấy, bạn ơi.

Chuyện tình yêu muôn đời vẫn đẹp cho người biết cảm.

Mùa đông năm nay xứ đồng bắp không lạnh lắm. Chỉ đủ cho kẻ tha hương ngồi lim dim trong góc phòng tối êm mà tưởng nhớ những ngày xưa thân ái bên bạn bè trường lớp.

Tên bạn giang hồ từ Thung Lũng Hoa Vàng lại gửi e-mail. Lắm khi thích mà đôi khi củng thấy lắm phiền vì cái loại e-mail forward lung tung. Lắm khi anh gửi lại nhận lại hàng tá e-mail của mình gửi nay lại forward ngược lại khổ chủ. Hôm nay, ku Bơ gửi mình mấy bài phản đối của các "đấng" lão thành cm. (muốn đọc là cách cái mạng hay là chít mẹ nó củng OK). Đọc xong mình tự dưng muốn break the cheese. Bất nhã - bất nhã.

Câu chuyện yêu mà không dám nói khiến mình liên tưởng đến mấy "đấng lão thành cm" của nước Nam ta. Tự thắc mắc, hà cớ chi mà mấy lão không nói như thế khi còn tại chức. "Ngôn" thôi đấy - chưa nói tới "Hành" nhé.

"Sao quan không nói những ngày còn... con dấu!!!???"

Từ mấy anh 6-Dân tới bác Chột cứ thay nhau lên tiếng chê bai phàn nàn. Các bác đoảng ziên loại 30 tuổi đoảng trở lên cũng thế. Cứ làm như mấy thứ tệ nạn của đoảng và nhà nước ta chỉ có từ khi 6-Dân về vườn hay 7-Mắm gì đó vô nằm bịnh viên Nhăn Răng còn trước đó thì... không! Câu chuyện giửa các "đấng lão thành cm" với lại quốc sự nhăn răng là thế.

Thằng Ku Bơ là một tay giang hồ có số má đã "khai thị" cho mình. "Ngu sao nói mậy. Đang ăn ngon mặc đẹp em út ra vô lót tay chục cây là ít. Hổng lẽ há mồm cho chúng mắng là đồ phá thối hay sao chớ!"

Mình muốn vớt vát chút sỷ diện cho các "đấng lão thành cm" thì Ku Bơ hạ đao trảm đẹp. "Ăn no hạ cánh lại an toàn bây giờ phải phê (phán) cho đám chủ nhân đất nước biết hưu quan đây củng có lòng với quốc sự chứ chẳng đùa nhé." À! Thì ra các "đấng lão thành cm" khi lão hưu cũng muốn có tý tiếng... thơm mí lị đời. Miếng (vàng miếng 9999) đã có đầy rương rồi. Có miếng có tiếng mới đề huề chứ!

Tức cảnh sinh tình bèn ra mấy thơ kóc.

Bài một dành cho mấy cậu si tình mà không dám nói:

" I luv U - ngộ hầm xíu cỏn (tui hỏng dám nói),
  Để lâu ngày - malade au coeur  (tui bị đau tchiim)"

 
Bài hai dành cho các "đấng lão thành cm" thích phản... động đậy:

"quan ơi quan hởi quan hời
 sao quan không nói những ngày còn... (tại chức) quan"
 
Định viết tục vài câu nhưng nghĩ lại "anh không muốn tục những ngày còn... thanh". Thôi nhé....


Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Cái Muỗng - Văn Quang

Cái Muỗng Văn Quang

Ảnh VĂN QUANG tại Sài Gòn năm 2011.

Những ngày đàu Xuân tôi đọc được một bài của Văn Quang. Bài viết làm tôi xúc động, tôi mời quí vị chia xẻ với tôi niềm xúc động này.

VĂN QUANG:

Tôi không nhớ rõ năm đó là năm thứ mấy chúng tôi “học tập cải tạo”, chỉ biết rằng khi ấy trong chúng tôi đã có những người “quen” với những ngày tháng cực khổ, dài lê thê trong những căn nhà giam được “xây dựng” bằng đủ thứ kiểu giữa những vùng rừng núi âm u miền Bắc. Ở Sơn La thì “trại” được làm trên những nhà tù từ thời xa xưa, trên những cái nền nhà lỗ chỗ, người ta dựng vách đất trộn rơm, mái lợp bằng các kiểu lá rừng, miễn sao che kín được khung trời.

Nơi này xưa kia, Pháp dùng để giam giữ tù chính trị, rồi một thời gian sau, VN giam những người tù Thái Lan và trong chiến tranh đã có khi người ta dùng làm “công binh xưởng” chế tạo lựu đạn. Vì thế nên thỉnh thoảng chúng tôi nhặt được vài cái vỏ lựu đạn ở đâu đó quanh khu vực này. Ở Vĩnh Phú thì nhà tranh vách đất, ngoại trừ một khu người ta gọi là khu “biệt kích” gồm vài căn nhà “xây dựng kiên cố” bằng gạch lợp tôn xi măng. Chúng tôi “được học tập cải tạo” trong dãy nhà này. Cũng nghe người ta nói lại là khu này trước kia dùng để giam giữ những người lính biệt kích đã từng nhảy dù ra Bắc rồi bị bắt giam ở những khu đặc biệt đó. Muốn vào khu này phải qua hai lần cổng có tường gạch bao quanh. Nhưng có lẽ khi giam giữ biệt kích thì khác, còn khi chúng tôi “được giam” ở đây có vẻ như “cởi mở” hơn vì những cánh cổng thường không đóng bao giờ. Họ để cho chúng tôi đi lao động hàng ngày cho khỏi phải mở ra đóng  vào.

Cuộc sống dù cực khổ đến đâu, sống mãi rồi người ta cũng phải quen. Nhịp sống hàng ngày cứ thế trôi đi dù là trong đói rét, thiếu thốn và trong những cấm đoán vô cùng khe khắt. Nhà tù nào chẳng thế, nó có những quy luật và quy định riêng. Những ngày đầu người ta cấm luôn cả trà, cà phê, thậm chí cấm cả người tù đeo kính cận. Nhưng sau này nới dần, những thứ như thế không bị cấm nữa. Chỉ còn những thứ đã thành “luật” thì luôn bị cấm và cấm ở bất cứ đâu. Cấm “mua bán đổi chác linh tinh”, cấm dùng thức ăn lâu ngày bằng bột, cấm tỏi và cấm tất cả những dụng cụ sinh hoạt bằng sắt như dao, kéo, muỗng nĩa… Tuy vậy có anh tù nào lại ngây thơ ngoan ngoãn đến nỗi tuân theo hoàn toàn những quy định ấy. Mua bán đổi chác linh tinh vẫn cứ diễn ra, dao kéo vẫn cứ được lén lút xử dụng hàng ngày nhưng đó là những thứ đã được “cải biên” thành dao kéo mini nhỏ síu cho dễ cất giấu. Nó là những vật dụng cần thiết cho đời sống hàng ngày, dù có bị bắt thì cũng chỉ bị tịch thu chứ không đến nỗi bị cùm một hoặc hai chân –tùy theo tội– hay bị đưa vào “thiên lao” tức là thứ phòng giam đặc biệt trong trại tù.

Ngày qua ngày, cái “không khí êm ả” của trại giam trở nên phẳng lặng nhưng dĩ nhiên là không thể nào nói rằng đó là thứ “an tâm, hồ hởi phấn khởi” mà bất kỳ anh “trại viên” nào cũng cứ phải viết khi phải làm những “bản kiểm điểm”, mặc dù kể cả người viết và người đọc đều chẳng ai tin.

Nhưng cái không khí ấy đôi khi bỗng nhiên bị xáo trộn. Vào một buổi sáng tinh mơ, khi chúng tôi đang ngồi ở cái sân đất giữa trại, chờ gọi tên từng đội đi lao động để “một ngày lại vinh quang như mọi ngày” thì bỗng đâu toán lính gác trại tù sồng sộc chạy vào. Họ chạy rầm rập như ra trận, súng ống chĩa về phía “quân thù”, mặt mũi “khẩn trương” rõ rệt. Họ sộc thẳng vào những phòng giam trống hốc cứ làm như có địch ẩn nấp đâu trong đó.

Chúng tôi ngẩn ngơ đứng nhìn, không hiểu họ giở trò gì. Có những khuôn mặt lo lắng, một nỗi lo bâng quơ. Chuyển trại hay có ai đó trốn trại? Chưa biết. Toán lính lục tung hết mọi thứ đồ đạc ít ỏi mà mỗi người tù có được trong gói hành trang của riêng mình. Sau đó chừng nửa giờ, một vài gói đồ bị tịch thu được vác lên “phòng thi đua”. Lúc đó thì chúng tôi mới hiểu rằng đó chỉ là một kiểu khám phòng để tìm ra những thứ đồ “quốc cấm” mà trại đã quy định tù không được dùng.

Thật ra, đó cũng là cái cung cách mà ở những “trại cải tạo” thường dùng để khuấy động cái không khí trầm lặng dễ phát sinh ra những “tiêu cực”. Bởi trong cái sự yên bình của một trại giam, người tù có thể liên kết với nhau làm một chuyện gì đó như tổ chức trốn trại hoặc có thể có những vụ xúi giục “tuyệt thực”, bàn bạc chống đối… Và nếu nói đến sự chống đối thì có hàng trăm thứ để có thể chống đối được. Thí dụ sự ăn đói, sự đối xử bất công, sự oan ức vô lý, sự trù dập của một vài anh “quản giáo”, sự thô bạo của mấy anh lính võ trang. Chuyện gì cũng có thể chống đối được. Vì thế thỉnh thoảng họ phải làm cho cái không khí đó mất hẳn cái vẻ trầm lặng để chứng tỏ lúc nào họ cũng đề phòng, lúc nào họ cũng “đề cao cảnh giác”, lúc nào họ cũng sẵn sàng đối phó với mọi “mưu đồ”.

Các anh tù đừng có tưởng bở, chẳng bao giờ yên đâu. Cứ sau mỗi lần như thế, chắc chắn thế nào họ chẳng vớ được vài anh tù nào đó giấu những thứ vớ vẩn như dao kéo, thư từ, sách vở tiếng nước ngoài, tiền bạc, đồ dùng ngoài quy định. Tất nhiên sẽ có những cuộc “kiểm điểm, phê bình” mà chúng tôi gọi là những “buổi tối ngồi đồng” để từ đó lòi ra một vài cái “tội”. Ðội nào khôn ngoan thì cứ ngồi im, ai “phê” thì cứ mặc, còn cãi là còn “ngồi đồng”. Ði làm suốt ngày mệt mỏi đến thở không ra, tối về còn ngồi đồng, còn “phê bình” còn “kiểm thảo” thì chịu sao nổi. Nay “làm chưa xong” thì mai lại ngồi tiếp, ngồi cho đến khi nào tìm ra tội mới thôi. Tội nặng, tội nhẹ tùy theo tình hình của từng thời điểm.

Thời điểm “căng” thì vào tù phạm tội vào nhà kỷ luật đặc biệt nằm “treo một chân”, thời điểm nhẹ nhàng thì cảnh cáo, ghi tội vào biên bản. Và họ sẽ có những biện pháp an toàn như chuyển đổi năm bẩy anh từ đội này sang đội khác để phòng tránh những vụ tù kết hợp thành tổ chức, những phe nhóm có thể gây nguy hại đến an ninh của trại tù.

Chung quy đó chỉ là một cách đào xới tung cái tinh thần “tưởng rằng yên ổn” của mấy anh “trại viên” còn tỏ ra cứng đầu, còn có mưu toan lôi kéo người này người kia vào trong phe mình để từ đó có những yêu sách hoặc toan tính bất lợi cho trại tù. Quả là mỗi lần như thế trại tù cũng rối tung lên và làm cho những anh yếu bóng vía thường phải sống dựa vào tinh thần bè bạn càng thêm rụt rè, chẳng biết tin vào ai được nữa. Nhưng riết rồi trò gì cũng thành quen và đối với một số người tù “chẳng còn có gì để mất” thì họ trơ như đá, muốn làm gì thì làm, chỉ có cái thân tù đói này thôi, sống cũng được mà chết cũng chẳng sao.

Có lẽ tôi cũng đã học tập được cái tinh thần ấy của những anh bạn trẻ, bởi tôi cũng chẳng còn có gì để mất. Vợ con nhà cửa đều đã mất tất cả rồi, chẳng có gì phải lo. Ðôi khi tôi sống tưng tưng, ông anh rể ở Sàigòn gửi cho cái gì thì nhận cái nấy. Và một sự thật không thể quên là nếu không có ông anh rể tốt bụng đó thì tôi cũng đã trở thành một thứ “Tù Caritas” như một số anh em ở trong trại tù rồi. Tức là những người tù chẳng có ai thăm nuôi.

Những bà vợ đau khổ với những gia đình đói rách lầm than, họ lo cho chính họ còn không xong thì lấy gì đi “thăm nuôi” người ở trong tù mà lại tù ở tuốt tận miền Bắc xa tít mù tắp. Thậm chí có người tù còn vui mừng khi thấy vợ mình bước đi bước nữa với một anh nào đó và đưa các con ra được nước ngoài. Tôi nói thế để chứng minh rằng không nên trách cứ bất kỳ một ai trong hoàn cảnh cay nghiệt này. Theo tôi thì những anh “mồ côi” không ai thăm nuôi trong trại tù mới chính là những anh hưởng trọn vẹn được cái “thú đau thương”.

Trở lại chuyện buổi sáng tinh mơ, khi toán lính chạy sồng sộc vào trại. Ðó là một buổi sáng cuối mùa đông, trước Tết âm lịch chừng vài ngày. Ðây cũng là biện pháp an ninh thông thường của các trại tù trước những ngày lễ Tết lớn. Tôi thảnh thơi theo đội đi làm ở ngoài đồng. Tôi vẫn cứ yên trí rằng tôi chẳng có gì để mất, hay cái vật tôi mất chẳng có gì quan trọng.

Vào mùa đông cái thứ quan trọng nhất với người tù chỉ là rau. Mùa này thiếu rau đến… khô quắt cả dạ dày, rau muống bầu bí không trồng được, chỉ còn rau cải và trồng cải thì lâu mới được ăn và năng suất không cao, cho nên có được tí rau là hạnh phúc nhất. Tôi ngồi lê la trước mấy luống su hào, đó là thứ “thực phẩm cao cấp” nhất trong khu vườn rau của toàn đội. Những củ su hào bắt đầu to hơn nắm tay nằm tròn trĩnh dưới những tàu lá xanh mượt mà, tôi trông coi chúng vì cái công sức tôi bỏ ra hơn một tháng trời. Tôi coi chúng cũng như một tác phẩm nào đó mà tôi đã từng viết ra, ở đây không có gì để coi như tác phẩm thì coi nó là tác phẩm vậy, để có cái mà thú vị và để có cái mà quên đi những thứ quanh mình.

Cứ như thế tôi tha hồ đặt tên từng luống su hào, có khi là một cái tên nghe có vẻ “lả lướt” như tên người tôi đã gặp ở tiệm khiêu vũ, có khi là một cái tên rất dung tục. Âu cũng là một trò “nghịch ngầm” giữa vùng rừng núi âm u, hầu như không có mặt trời mùa đông này. Nhưng tôi biết rằng trò chơi của tôi sẽ phải chấm dứt trong một hai ngày nữa. Bởi Tết đã đến, dù 12 luống su hào còn non chưa đến ngày “thu hoạch” nhưng cần thức ăn trong ba ngày Tết nên họ sẽ nhổ. Nếu tù không ăn thì cai tù ăn, chứ không đời nào họ chịu để đến mùa xuân. Nhưng vui chơi được giờ nào hay giờ ấy trong cuộc sống phù du này.

Buổi trưa về đến trại, trong khi bạn bè xung quanh đang xôn xao, kẻ bị tịch thu cái này, người bị mất cái kia thì tôi vẫn nhởn nhơ vì tôi chẳng có gì để mất. Tôi xách tô đi lấy cơm, gọi là phần cơm, nhưng thật ra chỉ có đúng một bát bo bo tương đối khá đầy đặn. Tôi ăn thì tạm lưng lửng, nhưng những người bạn tôi thì không bao giờ đủ. Họ thường nói “Vừa ăn xong mà vẫn cứ tưởng như mình chưa ăn”. Cái đói cứ lửng lơ mãi ngày này qua ngày khác, thế mới là khó chịu. Có những ông bạn tôi ăn theo cái kiểu câu dầm, tức là lấy cái muỗng tre nhỏ xíu, hoặc một cái gì đó lớn hơn cái đầu đũa, múc từng muỗng bo bo ăn rả rích suốt ngày để có cảm tưởng lúc nào cũng được ăn, nó làm lu mờ cái cảm giác đói, đó là cách tự đánh lừa mình.

Tôi cũng “ăn dè hà tiện” nhưng tôi ăn bằng muỗng. Cái muỗng rất đặc biệt bằng inox hẳn hoi, có chạm trổ tinh vi và luôn được chùi rửa sáng bóng. Nhưng sáng nay, được chia hai củ khoai lang ăn sáng nên tôi để cái muỗng ở nhà. Tôi thường cất nó vào trong chiếc lon Guigoz – một loại vỏ hộp sữa được chế biến thành đồ dùng rất thông dụng và nhiều lợi ích của hầu hết những anh tù, nó có thể dùng “trăm công ngàn việc” từ đựng các loại thức ăn, thức uống đến đun nấu, câu móc, đựng mắm muối, chứa đồ để dành, múc nước tắm rửa đánh răng, rửa mặt. Nhưng hôm nay thì cái muỗng biến mất, tất nhiên là nó đã bị tịch thu trong buổi khám xét trại sáng nay.

Ðây là thứ “gia bảo” tôi đã cất giấu nó suốt mấy năm nay chưa hề lơi lỏng. Nó luôn nằm sát bên tôi, lúc đi lao động cũng như khi nằm ngủ. Có thể ví như cái nạng của một anh què, cái gậy của ông lão chín mươi, một thứ đã thành thói quen bám vào cuộc sống.

Sau một buổi trưa mưu toan tính kế, chiều hôm đó tôi quyết định đến gặp Dực, anh chàng trưởng ban thi đua của trại. Dực cũng chỉ là một “trại viên”, nhưng trước đây anh ta là cán bộ, anh “thoái hóa tiêu cực” sao đó nên bị đi tù. Những anh cán bộ và quân nhân trong trại tù thường được gọi là “phạm binh, phạm cán” tức là tội phạm thuộc binh sĩ hoặc cán bộ cũ. Họ có một chế độ đãi ngộ riêng và thường được dùng vào trong các công việc cần đến sự tin cậy của giám thị.

Bữa khai lý lịch, thấy tôi khai là dân huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, Dực liền hỏi quê quán và nhận là người cùng quê. Một lần Dực dẫn chúng tôi đi lấy quần áo ngoài trại chính, qua khoảng đồi núi quanh co, anh ta chỉ tay lên mảng cây cối thưa thớt, nói với tôi rằng “Cậu Huyện Nhụ nằm ở đó”.

Tôi hỏi anh có họ hàng thế nào với ông Huyện Nhụ, anh ta nói anh là cháu gọi ông Nhụ bằng cậu, nhưng gia đình cụ Nhụ vào Nam còn gia đình anh vốn là nông dân nên ở lại miền Bắc.

Cụ Nguyễn Mạnh Nhụ trước năm 75 làm chánh án ở Tòa án Sài Gòn và tôi nghe nói là cũng có họ hàng với gia đình tôi, nhưng là họ xa. Cụ làm tri huyện từ khi còn rất trẻ. Sau này tôi có gặp cụ vài lần. Tôi kể cho Dực nghe đôi ba chuyện về cuộc sống của cụ Huyện Nhụ khi còn ở Sài Gòn. Sau này đi “cải tạo” cụ Huyện Nhụ mất ở trại này. Dực nói là trước khi cụ chết, cụ chỉ thèm được ăn một cái bánh dò. Dực nhắn người nhà ở Thái Bình khi đi thăm nuôi thì ghé qua Hà Nội mua lên vài cái, nhưng khi bánh dò mang lên thì cụ mất rồi.

Từ đó, đối với tôi, Dực có phần dễ dãi hơn. Nhưng dĩ nhiên cái khoảng cách giữa một bên là “ngụy” một bên là “cán” thì khó mà san lấp được…

Nhưng hôm nay thì tôi cần đến hắn. Suốt buổi trưa tôi không gặp được Dực. Cho đến hai hôm sau, khi trại đã xôn xao chuẩn bị cho những ngày Tết tôi mới gặp được Dực. Trong khi đó tôi dò hỏi mấy tay làm văn hóa xem những thứ bị tịch thu còn để trong phòng thi đua không. Họ nói còn để trong kho lẫn lộn với những thứ đồ dùng khác. Tôi mang cho Dực một ít thuốc đau dạ dày của ông anh tôi mới gửi vào. Rất may cho tôi là hắn cũng bị đau dạ dày. Mà cái thứ thuốc trị bệnh dạ dày ở miền Bắc hồi đó chỉ là tí mật ong trộn với nghệ nên không công hiệu. Tôi có thứ thuốc “cao cấp” hơn là Maalox, uống vào là cơn đau dịu xuống ngay. Thuốc Mỹ đàng hoàng, người ta ghét Mỹ nhưng thuốc của nó tốt thì cứ thích, có sao đâu.

Tôi gạ chuyện để xin lại cái muỗng. Dực trợn mắt:

“Anh làm cái gì mà cần cái muỗng đến thế? Bây giờ để trong kho, chui vào đấy mà trực trại nó biết thì tôi vào nhà đá.”

Tôi nằn nì:

“Ðấy là đồ gia bảo của tôi đấy. Anh biết không, tôi mất nhiều thứ lắm, một cái bằng lái xe ba dấu, một cuốn tự điển. Nhưng tôi không cần, tôi chỉ cần cái muỗng thôi.”

Dực nhìn tôi nghi ngại:

“Mày giấu cái gì trong đó?”

Dực hơn tôi hai tuổi nên hắn có gọi tôi bằng mày tôi cũng không tự ái, mà dù hắn có kém tôi vài ba tuổi mà lúc đó hắn gọi tôi bằng mày tôi cũng cho qua luôn.

“Cái muỗng đặc và nhỏ như thế làm sao giấu cái gì trong nó được?”

Dực nửa đùa nửa thật:

“Bọn mày thì lắm trò lắm, cái gì chúng mày chẳng làm được. Chưa biết chừng mày giấu cả cái máy quay phim trong đó cũng nên. Tao nghe nói mày có sách làm phim phải không?”

“Ðúng, nhưng là tôi viết truyện rồi người ta lấy làm phim chứ tôi biết cái cóc khô gì.”

“Vậy sao mày chỉ đòi lấy lại cái muỗng, mày mua chuộc tao bằng hai vỉ thuốc đau dạ dầy, không bõ. Khéo không chết cả đám. Tao không chơi.”

Tôi thất bại, nhưng vẫn không chịu bỏ cuộc. Chiều hôm đó, Dực lại được lệnh phải làm một cái phòng đọc sách vào dịp Tết. Tôi đang loay hoay dán mấy cành hoa đào lên tấm phông trên hội trường thì Dực kéo tôi xuống. Nó bảo tôi đi khuân sách trên thư viện về hội trường, kê bàn ghế, trang trí thành khu đọc sách báo trong ba ngày Tết cho ra vẻ “có văn hóa”. Nhưng nếu coi thư viện thì không được ăn Tết ở phòng mà phải ngồi trực ở hội trường. Tôi nhận lời ngay dù biết rằng tôi sẽ mất cái thú dự những ngày Tết với anh em trong phòng giam và mất cái thú ngồi đánh mạt chược bằng những con bài gỗ do chúng tôi tự làm lấy.

Thế là tôi lại có dịp lân la nói chuyện với Dực về cái muỗng của tôi. Dực vẫn nghi ngờ rằng tôi có cái gì giấu trong đó, hay tôi cần cái muỗng để làm việc gì đóù. Tôi đành kể cho Dực nghe:

“Buổi sáng hôm tôi phải đi “học tập cải tạo”, vợ tôi chuẩn bị một số đồ dùng cho vào túi xách để tôi mang đi. Ðứa con gái của tôi, khi đó mới hơn ba tuổi, thấy mẹ nó bỏ vào túi xách nào là quần áo, khăn mặt, thuốc… nó đang ăn sáng, cũng bỏ vào xách tay của tôi cái muỗng nó đang ăn và dặn: “Con cho bố mượn, khi nào bố về, phải trả lại cho con đấy”.

Tôi ôm con gái gật đầu hứa khi về bố sẽ trả con. Nhưng quả thật tôi vẫn nghĩ chẳng bao giờ tôi trả lại được cho nó. Lần chia tay này có thể là vĩnh viễn… Chúng tôi ngậm ngùi chia tay, không thể hẹn được ngày về vì có biết ngày nào về đâu mà hẹn!

Thế là từ đó, cái muỗng theo tôi suốt trong những bữa ăn, suốt trong những giấc ngủ. Hình ảnh con gái và gia đình tôi hiện lên qua cái muỗng đó. Tôi vẫn đánh lừa tôi rằng tôi đang được ăn bên con gái tôi, bên những người thân yêu của tôi. Dù tôi biết rất rõ sự lừa dối ấy là một niềm ước vọng không bao giờ thành hiện thực, nhưng vậy mà đôi lúc tôi cũng thấy ấm lòng.

Nghe câu chuyện ấy, Dực tỏ ra chần chừ, nhưng hắn vỗ vai tôi:

“Thôi được, nếu là như thế thì tôi giúp cậu. Tối nay, khi cậu ngồi coi phòng đọc sách, tôi sẽ giữ phần bánh chưng lại cho cậu, tôi sẽ gọi cậu xuống phòng thi đua cho cậu ngồi ăn ở đó, trong khi tôi gọi ban thi đua lên phòng hội thì tôi giả vờ để quên chìa khóa kho. Cậu mở cửa kho vào mà tìm, nhưng có gì thì cậu chịu trách nhiệm. Nó mà vớ được thì ‘kỷ luật’ suốt cái Tết này đấy, chưa biết chừng suốt mùa xuân.”

Chẳng còn cách nào khác, tôi đành làm theo cách “ăn trộm” này. Tối đó tôi mở khóa mò vào gian nhà kho. Ánh điện từ nhà ngoài hắt vào, vừa đủ soi sáng cái đống hầm bà làng đủ thứ đồ dùng lặt vặt vừa bị thu mấy hôm trước. Tôi sục ngay vào cái đống linh tinh đó, quả là những anh bạn tù của tôi có lắm trò chơi thật.

Thôi thì đủ thứ, cái điếu cày được làm bằng những ống hỏa châu hoặc những cáng băng ca được cắt ngắn, chạm trổ rồng phượng, khắc gọt rất tinh vi. Những cái trâm cài đầu, những cái lược cho con gái hay cho người yêu, làm bằng nhôm được khắc những cái tên “Hồng Hoa, Bích Phượng, Thúy Hường…” nghe nao cả lòng. Những con dao nhỏ xíu, những cái muỗng gò bằng tôn cũng có hoa lá cành . Tất cả những cái gì bằng sắt đều nằm gọn ở đó.

Sách vở tiếng Anh tiếng Pháp và đủ thứ giấy tờ lộn xộn. Cái mà tôi kiếm được trước tiên lại là cái bằng lái xe của tôi. Tôi không dại gì mà không đút vào túi, dù chẳng biết để làm gì. Tôi lại hì hục lục tiếp, vừa hồi hộp vừa phải làm thật nhanh tay, tôi đâm ra lính quýnh. Dù chỉ một tiếng động nhỏ cũng khiến tôi giật mình. Cái muỗng của tôi vẫn chưa tìm thấy. Ruột nóng như lửa đốt, tôi bới tung hết cả cái đống ấy và đâm hốt hoảng nếu cái muỗng không còn ở đó nữa. Nhưng may quá, cái muỗng kia rồi, nó nằm dưới cuốn sách dày cộm của “thằng chết tiệt” nào đó. Nó chỉ thò ra có mỗi cái đuôi, tôi cũng nhận ra nó ngay. Lúc đó tôi có cảm tưởng như “Con có ở xa bố hàng cây số thì bố cũng cứ nhận ra con như thường”.

Tôi vồ lấy nó như sợ bị người ta giật mất. Tôi nhìn cái hoa văn chạy dọc theo cán muỗng mà tôi đã quá thân thuộc như chính cái nét mặt con gái tôi khi nó “nhí nhảnh” đưa cái muỗng vào trong túi xách. Nó vẫn cứ tưởng là một chuyện vui, bố đi chơi vài ngày rồi bố về. Ừ thì vui. Tôi cười trong nụ cười mếu máo của mẹ nó và trong nụ cười hồn nhiên của nó. Không hiểu sao trong lúc gay cấn như thế mà hình ảnh xưa lại hiện lên rất nhanh như một ánh chớp. Tôi vọt ra khỏi phòng, khóa cửa lại, biến nhanh vào bóng tối trên con đường về “khu biệt kích”. Thoát nạn!

Cái Tết ấy tôi lại được vui chơi với cái muỗng của tôi, dù tôi đã phải hy sinh suốt ba ngày, trong khi mọi người được nghỉ ngơi thì tôi cứ phải quanh quẩn trong cái “phòng đọc sách” chẳng có ma nào thèm ngó đến ấy.

Những dịp nghỉ ngơi như thế cũng hiếm hoi như chuyện được ăn một bữa cơm đúng là cơm chứ không phải khoai sắn hay bo bo. Nhưng quả là tôi thấy hạnh phúc dù ngồi thui thủi một mình. Tôi có cái muỗng rồi, còn cần gì vui chơi nữa. Ðó chính là mùa xuân của tôi.

Nhưng không phải đó là một lần duy nhất tôi phải “cứu lấy” cái vật gia bảo của mình. Hai lần sau cũng tương tự, cũng bị tịch thu rồi cứu lại được cứ như sắp ra pháp trường rồi lại được cứu. Chỉ tiếc rằng người cứu tôi không phải là người bạn đồng minh đã từng chiến đấu với các đồng ngũ của tôi trong những năm qua, người đồng minh đó đã “gan dạ” cuốn cờ chạy nhanh và chạy xa quá rồi. Thôi thì tôi tự cứu lấy cái muỗng của tôi vậy.

Một lần khác, tôi lội qua con suối sau cơn mưa lớn. Chỗ chúng tôi làm phải đi qua một con suối, gọi là suối lạnh. Bình thường nó cạn, dòng nước trong vắt dịu dàng trôi lờ lững trên những tảng đá xanh. Chúng tôi thường dùng nơi này làm bến tắm. Nhưng cứ có một cơn mưa lớn là nước từ những triền đồi vây quanh bốn hướng ào ạt đổ xuống, chỉ cần nửa giờ sau là con suối trở nên hung hãn, nước chảy cuồn cuộn và mang theo những cành cây, những khúc gỗ lao băng băng. Chúng tôi phải gấp rút lội qua con suối trở về trước khi con suối trở thành hung dữ. Sang gần tới bờ bên kia, tôi loạng chọang làm đổ cái túi đồ đựng những thứ lặt vặt trong đó có cái muỗng. Ở đây tôi thuộc từng khe đá nên tôi không ngần ngại nhoài người xuống mò.

Anh bạn nhảy dù, la lên:

“Bộ ông điên sao?”

Tôi điên thật, tôi muốn mò tìm cái muỗng của tôi. Nhưng nước chảy xiết quá tôi lại thua. Anh bạn nhảy dù trẻ, què một tay vì bị thương ngoài chiến trường, rất hiểu tôi nên anh đi xa hơn một chút, anh khom người xuống, thò một tay vào cái khe hòn đá là tìm được lại cho tôi cái muỗng. Ðôi mắt anh rất tinh, anh mỉm cười:

“Tôi biết ông mất cái gì rồi. Tôi tìm được nó cho ông nè.”

Chuyện trớ trêu là hơn 12 năm sau, tôi trở về, nhưng tôi chưa trả lại cái muỗng cho con gái tôi được vì mẹ con nó đã vượt biên, đã định cư ở nước ngoài. Hơn hai mươi năm, tôi chưa một lần được gặp lại con gái tôi. Tính đến năm nay là 27 năm, con gái tôi đã 30 tuổi. Ngày 29 tháng 9-2002 vừa qua, cháu lập gia đình ở Miami, Florida.

Nhận được thiệp báo tin, tôi không biết mình vui hay buồn. Hình như không phải là vui hay buồn mà là một thứ cảm giác kỳ lạ cứ lơ lơ lửng lửng lẫn lộn. Chú thím nó và các anh chị nó ở Mỹ đều hẹn nhau đi dự đám cưới nó. Tôi thì không, chẳng hẹn hò được gì cả và chẳng làm được cái gì cả. Tôi có cảm giác như mình thừa. Rất may là trước ngày đám cưới, cô chú nó về Sài Gòn, chính tay tôi gửi được tấm thiệp mừng con gái tôi. Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết. Nhưng tôi chỉ nghĩ rằng gửi cho cháu để cháu hiểu rằng lúc nào tôi cũng coi như cháu còn nhỏ lắm, như mới hôm qua hai bố con còn ở bên nhau. Tôi đi chơi đâu đó và hôm nay trở về. Nhưng cháu đã đi xa và tôi còn ở lại Sài Gòn, nơi nó đã sinh ra. Cháu sẽ nghĩ gì, tôi không biết.

Nhưng vài hôm sau thì có một điều tôi biết rất rõ là từ khi cái muỗng được gửi đi, tôi cảm thấy trống trải như mất mát một cái gì, xa vắng một cái gì thân thiết hàng ngày ở bên mình. Tôi cho rằng nó cũng giống như cái cảm giác của những ông bố bà mẹ khi cho con gái mình đi lấy chồng xa. Nỗi buồn lâng lâng bay chập chờn khắp nơi. Nhưng đó chính là sợi dây vô hình nối liền mãi mãi tình thương yêu dù ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh này. Cuối cùng người ta chỉ còn lại cái Tình. Cái Tình ấy dù gửi đi tới đâu cũng vẫn còn lại, đôi khi mạnh và sâu hơn, chỉ khi nào người ta tự đánh mất nó thì nó mới mất mãi mãi. Tôi chắc chẳng ai dại gì làm mất cái thứ báu vật  trên đời không gì có thể so sánh được.

Lẽ ra chuyện này tôi đã viết ngay từ tháng 9/2002 khi tôi được tin cháu lập gia đình. Nhưng nhiều lần muốn viết tôi cứ ngồi mãi trước computer, không gõ được chữ nào, đầu óc lung tung. Dường như khi cảm xúc quá đầy, người ta không thể làm gì được ngoài việc cứ để cho nó tuôn trào lênh láng như ngồi dưới cơn mưa. Không nghĩ ngợi gì cả, không làm gì cả, cứ ngửa mặt lên cho mưa đầy mặt, thế thôi! Ðúng là chuyện của người thì làm xong nhanh mà chuyện của mình thì nghẹn. Mãi đến hôm nay tôi mới ghi lại được những dòng chữ này, nhưng tôi cho rằng chẳng bao giờ muộn vì nó là thứ chuyện của cả một đời hay là của muôn đời.

Văn Quang

Sao Y Bản Chính