Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Ngoài Tầm - Nguyên Sa

Khi xứ sở mùa xuân ở ngoài tầm cánh chim bay.

Khi những đám mây hy vọng ở ngoài tầm

những giờ thao thức ban đêm.

Khi con tàu tương lai ở ngoài tầm

ngọn hải đăng chờ đợi.

Khi hình ảnh đôi giày đầu tiên, thầy giáo

trường làng chân thực, những cánh đồng tuổi trẻ
ở ngoài tầm kỷ niệm.

Khi những cuộc hò hẹn ở ngoài tầm rung động,

sự bình yên ở ngoài tầm giấc ngủ
tiếng chim hót chim khuyên ở ngoài tầm vừng trán ban mai.

Khi những bước chân ở ngoài tầm

con đường độc đáo đưa về tâm hồn.

Khi con thuyền nối liền những đôi mắt người

ở ngoài tiầm giòng sông hiền dịu.

Khi những hạt giống công bình được trồng rất nhiều

ngoài tầm khu ruộng được mùa.

Khi lời hứa hẹn vẫn ngoài tầm chân trời

hành động vẫn ngoài tầm ngọn lửa chân thành,
ngôn ngữ vẫn ngoài tầm rộng lượng.

Khi bàn tay vẫn ở ngoài tầm bàn tay,

đôi mắt ngoài tầm đôi mắt,
đôi môi ngoài tầm đôi môi.

Khi tự do nhiều nơi vẫn ở ngoài tầm biên thùy.


Khi nhành lộc non của tình người cao hơn ngọn cây

và những mái đầu không ở ngoài tầm ngọn cỏ.

Khi ba chiều không gian không ở ngoài tầm đố kỵ.


Khi chân lý không ở ngoài tầm những khuôn mặt hoá trang.


Ấy là khi ngực hai mươi ở trong tầm viên đạn.


Và tình yêu ở ngoài tầm cuộc đời.

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Viết từ đồng bắp 23 - Thân phận con người

Lễ Giáng Sinh đã đi qua. Tuyết vẫn rơi dày. Nằm khểnh trên salon nhìn ánh lửa lò sưởi nhảy múa chập chờn. Bầu trời ngoài kia cứ mù xám. Già Brown ghé qua cho một gói đùi nai mới bắn. Già ngồi chơi với hai chú nhóc một lúc lâu, ăn dỉa cơm rang. Ông này hồi đánh nhau ở Việt Nam có ai đó cho ăn cơm chiên mà người Nam thường kêu là cơm rang nên bắt ghiền. Mỗi lần mời ăn cơm ồng chỉ khoái cơm "rang" và nhất định gọi đó là "rang" chứ không "chiên".

Có một người bạn hay tham gia nấu ăn cho người vô gia cư ở homeless shelter có lền kể một ông già homeless veteran da đen thấy anh ấy bèn hỏi có phải you là Vietnamese không - từ South hay North. Ông này nói có lần được ăn canh chua cá lóc - ngon nhớ đời. Bạn tôi hẹn tuần sau anh ấy sẽ nhờ vợ nấu cho bát canh chua cá catfish. Canh dọn ra mà người thời đã ra thiên cổ. Mùa đông nào củng rứa - bà con hôm-lết đi chầu trời hàng loạt. Bạn cứ ân hận sao không làm sớm cho ông bạn già được ăn.

Dân không nhà ở Mỹ có khác. Các homeless shelter thường lo cho họ ba bửa cơm no và chổ ăn ngủ tắm giặt. Các vị hôm-lết đi cầm lon là vì muốn có tiền mua rượu hay thuốc lá chứ vì đói thì chưa chắc. Các vị này lại thích tự do lang thang chứ ở shelter thì không được nhậu hay hút thuốc lá. Coi như không thích luật lệ - dân giang hồ mà. Thế đấy.

Có thằng bạn thường đùa "cái tật lớn hơn cái tuổi" để ghẹo cái tánh hay so sánh của tôi. So sánh để biết khác biệt chớ không để ganh tỵ. Thấy chuyện người mới so lại chuyện mình. Ông già tôi ngày trở về từ trại cải tạo trong túi không có tới năm cắc tiền hồ. Hành trang ngày về không khác gì dân cái bang. Chuyến xe đò về Saigon làm ba tôi rơi lệ. Rơi lệ vì cái tình xưa nghĩa cũ của dân đối với lính mình. Chú lái xe đò lẳng lặng đút vào túi áo mấy tờ tiền rồi kêu anh lơ để một chổ ngồi. "Ông thầy ngồi đi. Chừng nửa tới Saigon tui đưa ông thầy dô tận nhà." Cái danh từ "ông thầy" là một cách gọi đầy thương mến của người lính VNCH dành cho người chỉ huy của mình. Mấy bà mấy cô đi buôn thấy vậy liền lao xao. "Ủa? mới được ra hả? Ừa, ổng là sỹ quan cải tạo đó! Thiệt là tội nghiệp!" Cô thì lôi ra cái bánh ú - bà thì ép phải ăn mấy múi mít lột sẳn. Một chú kia - dân làm rẩy - vấn một điếu thuốc rê mời hút còn nói với ánh mắt buồn. "Nhìn ông thầy mà em nhớ ông thầy của em! Không biết giờ còn mất ra sao?" Trên chuyến xe hôm đó có mấy chị cán bộ mấy anh bộ đội. Không biết họ nghỉ sao khi thấy đám "đồng bào" được (bị thì chính xác hơn) họ giải phóng xem ra quá lạnh nhạt với họ mà lại quá thân ái săn sóc một anh tù già vừa ra trại?

Một người bạn - người sống sót dưới chế độ cs diệt chủng Khmer Đỏ - tâm sự "Đối với lảnh tụ cs, nhân dân cần phải được giáo dục cần được nhắc nhở hằng giây hằng phút rằng nhân dân phải lấy con bò ra làm mẫu mực của một người công dân tốt. Vì sao? Vì con bò phải làm việc cật lực mà KHÔNG BIẾT mở miệng than van. Vì con bò CHỈ BIẾT vâng lời tuyệt đối. Vì con bò-người phải lao động khổ sai theo chỉ thị của đảng và phải chết khi đảng cần. Mỗi sát-na sống trong kiếp bò - người dân dưới chế độ cs phải ghi nhớ mình là bò. Nếu muốn đi lề trái thì bọn chủ gian tham độc ác kia sẽ nhắc cho con bò-người kia nhớ bằng roi vọt và bằng án tử hình.

Than ôi, thân phận da vàng...

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Bao giờ - Nguyên Sa




Thằng Chúc bây giờ nằm trong nhà tù
Thằng Thịnh bị mang đi làm nông trường
Thằng Văn lang thang những bờ biển xa
Em nó ở nhà bán báo vỉa hè
Buổi sáng gặp nó tôi mua hai tỳ
Nó nhìn tôi cười hỏi thăm anh nó
Tôi nhìn nó cười rồi bỏ đi làm
Buổi sáng đi làm, buổi chiều đi làm
Chủ nhật ở nhà thứ hai đi làm
Niềm đau đất nước mỗi ngày một đau
Câu hỏi đã lớn mỗi ngày một .lớn
Những đứa sát nhân, vu oan giá họa
Những đứa chụp mũ, chụp mũ, chụp mũ
Mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân
Bạn bè dần hết theo tỷ lệ nghịch
Chán cả làm thơ, chán cả ngâm thơ

Chỉ có câu hỏi, chỉ còn câu hỏi

Trong óc, trong mắt, trong tay, trên môi
Bao giờ thằng Chúc ra khỏi nhà tù
Và những thằng Chúc ra khỏi nhà tù
Bao giờ thằng Thịnh ở nông trường về
Và những thằng Thịnh ở nông trường về
Bao giờ thằng Văn cầm tay quê hương
Và những thằng Văn cầm tay quê hương


Bao giờ, bao giờ, bao giờ, bao giờ ?

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Bài hát Cửu Long - Nguyên Sa

Bài hát Cửu Long
by  Nguyên Sa


Có gì đâu em: có một đoàn người
Có một đoàn người góp sức góp vai
Cùng rủ nhau về góp một thành hai
Những bước chân góp đi làm đến!
Họ không dại khờ: góp trăng làm nến!
Chỉ những miệng cười góp lạ thành quen
Góp những giọng hò làm trống ngũ liên
Góp những bàn tay dựng thành đại hội
Cánh tay chắp cánh tay cho dài thêm nửa với
Gạo quanh nồi góp lại bữa cơm chung
Họ cùng đi cùng góp tháng, góp năm...
Để sáng ngày mai làm sông làm biển.

Có gì đâu, có một đoàn người
Bên bờ Cửu Long gõ nhịp
Cả dòng sông gõ nhịp vịn bờ sông
Họ rủ nhau về sương gió vui chung
Dù có phút nước mắt chạy quanh
Hay miệng cười hớn hở
Vẫn bát gạo Hậu Giang, vẫn nụ cười huynh đê.
Mắt nghẹn ngào sáng tỏ nắng phương Nam
Màu nắng vàng không màu nhiệm hào quang
Nhưng dù má bừng lửa cháy
Trán đổ mồ hôi
Họ cùng không đóng cửa mừng vui
Những bàn tay ngượng ngập díu môi cười
Không phải khóc
Một đời người tầm gửi
Nhớ không em?

Nhớ không em
Họ gặp nhau
Chờ nhau
Đón nhau
Như sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Hội lòng người như nước nguồn xối xa?
Mưa trường thiên chảy ứ vào trào thơ
Mưa đời người trôi cả nghĩa vu vơ
Để lòng chúng mình
Và mạch máu Đồng Nai
Đập cùng một nhịp

Anh biết rằng:
Có người khóc vì mừng vui ước hẹn
Có người cười vì tủi cực phôi pha
Anh biết nói làm sao
Nhưng chắc chắn ngàn thu ly rượu quan hà
Sẽ phải chua men vì thiếu người sưởi lạnh
Anh biết nói làm sao
Khi họ gặp nhau (anh đã bảo em)
Như sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Vẫn tiếng sóng về nước chảy triền miên
Vẫn Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng
Dòng sông dài dữ dội bản trường ca...

Phải, dòng sông dài dữ dội bản trường ca
Nên sông đã về làm tràn đầy mắt biển
Sông đã về rửa trắng lòng anh
Đợi từ chín kiếp giao thừa
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa dòng sông
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa mùng một Tết...

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Hai Lúa Hí Ngôn - Phục Viên ư?

Một bửa kia, Chủ tịt Triết phán:
 _“Thánh Gióng công lao là như thế, tài năng là như thế, nhưng mà không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi ai cảm ơn cả, không đòi hỏi phong chức phong tước gì cả, đánh giặc xong là thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên, một cuộc đời thanh thản"
Ai nghe cũng khen nhất là bọn lưởi gổ và sai nha ngưu diện mã ôn
_"dzào ôi, tên sao ngừ thế, nói ra cứ như sách thánh hiền nhá"
Tám Tàng củng nghe củng 'tâm đắc' lắm lắm nhưng théc méc:
_"ông ấy tài thế sao chưa chịu 'vui thú điền viên' nhầỷ?"
Gặp ngay lúc thằng dân đen tên Lúa đang đạp xế-lô ngứa miệng nói:
_"nàm được đé_ gì đâu mà được 'vui thú điền viên'"
Con bà nó cái thằng Hai Núa này muốn 'tạo phản' đây!!!


Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

mẹ lưng còng


mẹ lưng còng

như dáng đi của nước

da nhăn nheo

như đất hạn đồng khô

mẹ yêu dấu

mang lòng yêu vô hạn

rải nhân gian

không ngưng nghỉ nụ lành

mẹ tổ quốc

năm nghìn năm đăng đẳng

nuôi đàn con

tay cuốc lẩn tay gươm

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Nhảy Dù đối đãi với tù binh. Ăn gan uống máu?

http://www.tvplayvideos.com/1,VkzCvFEaOxg/Nguyen304/NH%E1%BA%A2Y-D%C3%99-VNCH-Ph%E1%BA%A7n-1


Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Hai Lúa Hí Ngôn 6 - Chuyện mủi lòng

Sáu Thỏ vốn cứ bị tụi chó vàng nay trấn mai lột. Một bửa nọ Ba Vện - vốn đang đóng quan ba nhà cẩu nên tiện lấy bí ranh là Ba Vện - thấy Sáu Thỏ đi ngang tiện mõm tợp ngay một phát vào cái ass của Sáu Thỏ xịt cả xirô.

Ả Cún Thơm đang đủng đỉnh đưa ghèn với Ba Vện chợt nghe Sáu Thỏ cụp tai kêu AUWWW. Bị hú vía Cún Thơm kêu KHIẾP. Ba Vện muốn ra oai với ngừ đẹp nên lừ lừ đặt chân trước lên vai Sáu Thỏ ra vẻ ôn tồn:

- không sao chứ. về nàm đơn xin hỗ trợ nhá. mang ra đồn ông giải quyết cho nhá. tết congo gần tới rùi làm đon nhanh ông đây ký cho, hớ hớ hớ...

Lúc đó có em két vốn nghề rìpọttơ cho báo tuổi yăng. Em này có nghiệp vụ hát theo lề phải rất tài. Em két còn có tài hát theo dỉa ghi sẳn. Mỏ Két vội bay về toà soạn mổ rối rít lên kibo cho kịp ra báo. Bài đăng ngay trang nhất có tít to đùng: "KHUYN QUAN BIẾT XORI".

Chủ tịt rừng xanh Thọt Ba Vằn liếc qua tít rồi phán: KÓ THẾ CHỨ - CHÓ LÀ KÔNG KỤ CHUYÊN CHÍNH CỦA KỌP RẰN - SỐNG VÀ NÀM VIỆC THEO PHÁP NUẬT RỪNG XANH NHƯ THẾ NÀ ĐÚNG - KHEN THƯỞNG HAI NẠNG XƯƠNG NỢN NHÁ

Cả họ nhà thỏ nghèo không tiền mua báo nhưng nhờ oai đức của chủ tịt Thọt Ba Vằn nên hang hốc nào củng có "noa thông tin". Tin về khuyển quan biết "sorry" làm cả họ nhà thỏ cảm động vô chừng mủi lòng ai nấy đều rươm rướm nước mắt.
 

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Phúc Âm Nàng - Du Tử Lê

1.

không, bây giờ y không còn đến đó
nơi có ổ gà, có rào kẽm, có bức trường thành, có sân bay nhà thương, nhà xác
nơi những trưa đi qua mắt y đổ lửa
những chiều về cát liếm thịt da
nơi ngày tháng vẫn đi qua trong từng cơn khó nhọc

những phiến ẩn ức câm
nghìn năm như đá dựng

nơi y đã ngồi
gom những viên sỏi đầu tiên của một hạnh phúc hiếm
(ôi hạnh phúc bất ngờ
như tai hoạ giáng xuống)

không, bây giờ y không còn đến đó
cho tới một ngày nào
một ngày nào người yêu y đủ lớn
--phải chăng đó là lúc nàng đã trưởng thành?
--vâng đó là lúc nàng đã trưởng thành
mà đừng vội nghĩ rằng khi ấy nàng sẽ già và tóc nàng rụng đi, cụt ngủn
trán nàng sẽ nhăn, rất nhiều vết nhăn tội nghiệp
tay nàng sẽ thô, những ngón mềm sẽ thôi thơm như dòng sữa sớm
ồ không đâu, không bao giờ có thế
đó là lúc nàng giật mình soi gương thấy mắt nàng lóng lánh
như những hạt mưa to
trong veo thành nhẫn nhục
đó là lúc nàng thấy tóc nàng dài, ngực nàng căng, và đôi môi nàng thắm đỏ
nụ cười vì thế mà cũng xinh thêm
không còn se khô như những quả ô mai ngậm hoài vẫn mặn
đấy lời tâm sự của chàng
rất trang nghiêm
nhưng ngậm ngùi ngỏ với đám đông vô hình trước mặt
rồi đám đông tự động vơi tan
lúc bóng tối trở về lấp đầy từng ngăn ký ức
trong một ngôi quán quen
chàng rã rời đứng dậy

nỗi nhớ nhung nhũn mềm
làm trúng thêm gân cốt

mỗi chúng ta đều khư khư giữ lấy cho mình
một số vết thương đã khô thành sẹo
và âu yếm ngắm nhìn
chân dung mình treo trên vách tường trí nhớ



2.

vâng chúng tôi thường gặp nhau vào mỗi chiều thứ sáu
ngày chúa bị đóng đinh
ngày giáo dân không được phép ăn thịt
(để tưởng nhớ đến ngài)
tôi là kẻ đã tự đặt mình ra ngoài vòng tín ngưỡng
nhưng đôi khi cũng bàng hoàng
chợt nhận ra dù mình vô thần nhưng cuối cùng đã mặc nhiên tôn thờ một chúa

(chúa của tôi, ôi chúa của tôi
vô cùng yếu đuối)
nàng buồn như trái chín
mắt gầy đêm mưa xanh
hồn căng trên thập tự
đầu cúi xuống dương gian
chớp hoài đôi mắt ướt

tôi thích được quì dưới chân nàng
để xin những điều vớ vẩn

vốn là kẻ đa nghi
tôi không tin thượng đế
nhưng lại chắc một điều
hạnh phúc nào cũng thật
như trong tình yêu tôi
vốn cả trăm điều gian dối

đời sống ta như một ô chữ cũ
có sắp hoài cũng chẳng khác hơn
ngoài những giòng vô nghĩa


3.

kẻ phán xét trong nàng
bảo chiều nay bão lớn
và ngày mai hãy thả chim câu
(những con bồ câu của thánh Nô - Ê trong sáng thế ký)
để cho chúng bay đi
đem tin về
trời sẽ trong xanh vào những ngày kế tiếp
tôi theo nàng rời tàu
bước lên bờ đất thịt
hãy tin, hãy tin
cuối cùng rồi chúng ta cũng có những bình minh êm ả
những ngày vàng sau quá đỗi đau thương


4.

vâng, chúng tôi thường gặp nhau vào những chiều thứ sáu
ở một góc đường
dưới những tàn cây gỗ dầu xác xơ lá nám
với nhiều sợi dây leo
xiết quanh thân cổ thụ
những buổi chiều hết tiền
chúng tôi rủ nhau lang thang dưới phố
và hôn nhau
ở mỗi đầu đường
ở giữa cua vắng
ở bên ngoài những cửa hàng trưng bày bán tạp phẩm
cũng có những chiều
chúng tôi rủ nhau chui vào rạp hát
và cũng rất thường
nàng rúc đầu vào ngực tôi nức nở
(hệt như con gà mái cục cục đòi ăn, lúc đói)
tôi chẳng biết nói sao
vì chính mình cũng đang nát tan nhục tủi

tôi không tin thượng đế
nhưng lại chắc một điều là hận thù có thật
cũng như tôi tin nàng tuyệt vời
hơn bất cứ một người đàn bà nào hiện đang có mặt
(dù tôi không quên rằng tôi đã ví
nàng như một con gà mái hay cục cục, lúc đói
nhưng cũng xin thêm rằng con gà mái kia
rất dễ ưa, cả tin và tính tình nhút nhát)
nàng tin nơi tình yêu
như giáo dân tin nơi phép nhiệm mầu của chúa
hãy tin ôi hãy tin
nước sẽ rút về bờ kia tuyệt vọng
và ở cuối chân trời
một vầng hồng sẽ nở


5.

bây giờ buổi chiều một mình trở lại
cũng con đường có hàng cây gỗ dầu xác xơ lá nám
với những sợi dây leo
quấn quanh thân cổ thụ
cũng vào ngày chúa bị đóng đinh
(nhưng toà thánh đã loan tin vì tình trạng chiến tranh
đặc biệt cho phép giáo dân Việt Nam ăn thịt)
em làm sao hiểu được
nỗi đớn đau anh khi đêm đến trở về
thắp đèn lên tìm kiếm bóng mình cho đỡ quạnh
và lắng nghe bản tin cuối cùng
tổng kết vinh quang một ngày chiến sự


đời sống ta hôm nay
chỉ còn toàn chữ số


6.

anh cố sống để chờ
một ngày nào mẹ cha loan tin cho phép anh được đem trầu cau đến hỏi em làm vợ
hay một ngày nào
chúng ta sẽ bỏ đi rất xa
làm một phường bất hiếu
kịp khi hết đời mình


(7-1969)