Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Một buổi trưa - thơ Bùi Giáng

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời phủ xuống ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai

Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương hồng tụ ở nơi nào

Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?

Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ngước lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Giẫm trang đời lá rụng úa thu phai.

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Hai Lúa Hí Ngôn 4 - Khi văn nô sủa

Năm xưa lúc 2Lúa còn ở SG khi có chút đỉnh tiền rủng rẻng thường gác càng xế-lô chổ hội nghệ sỡi thành hồ làm một chai bia hơi. Bạn sẻ hỏi 'bia hơi chai'? Đúng thế. Bia hơi rót vô chai bia 33 (bia lùn) cho tiện việc đong đếm chớ không có đóng nút chai mô. Có lần gặp hai đại huynh vốn dân miền Quảng Ngãi. Không quen nhưng cùng bàn nên tán gẫu. Bia ai nấy uống - mồi ai nấy ăn. Nói mồi cho sang chớ chỉ là 1 lon đậu luộc (nạc nuộc í). Chuyện cứ huyên thuyên đến nổì có bà Bake hàlồi tới hỏi xe đi không đấy mà 2Lúa đương say bèn phán luôn một nhát sau này dịch qua tiếng mẽo là fk-off. Nghĩ lại thấy ăn năn quá chừng. Thế đấy, tửu nhập tâm thì người uống say cũng giống "cẩu cuồng tại thị". No different.

Trở lại câu chuyện đang rôm rả thì cha nội nhà văn vũ hạnh xề vào uống. Té ra hai đại huynh QN là đồng hương nhỏ tuổi của vũ hạnh. Bạn nào từng đọc "Con chó hào hùng" thì phải biết vũ hạnh ni là tác rả. Anyway, một đại huynh hất hàm hỏi 2Lúa:
_ Em biết choa ni là ai khôn(g)? Choa ni viết "Con chó hào hứng" đóa. Hahahaha!!!!
Văn sỡi vũ hạnh mặt mủivốn chầm dầm nay càng thêm tím rịm. Đại huynh còn lại phá ra cười rồi phang luôn nhát đao ân huệ..
_Biết mần răng mà "Con chó hào hứng" khôn(g)? Nó gặp được chủ đóa. HAHAHAHAHA!!!
Nhà ven nhăn răng vũ (không) hạnh mắt long sòng sọc đứng dậy cái rẹt đạp xe đạp đi mất.

Hay thiệt. Chơi chử hay thiệt. Con chó hào hùng đổi ra con chó hào hứng vì gặp chủ. Văn nô sủa ăng ẳng ngoáy đít tít cả lên vì gặp chủ. Hay thiệt. Hay thiệt là hay.

Bửa ni ghi lại chuyện này vì vừa đọc qua trên RFA thấy văn cẩu nô vũ hạnh vừa được sủa sau nhiều năm nín khe. Chắc quá busy đi kiss ass mí lị brown-nose mấy thèn sán lãi chúa.
2Lúa đăng lại bài intờviu ở đây cho bạn thấy văn nô đúng là văn nô già xuống lổ tới nơi vẩn không chừa thói kiss ass...

Nhà văn Vũ Hạnh: Hội nhà văn VN là một tổ chức của Đảng
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010-08-08

Sau khi Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 8 bế mạc với những dư luận ngược chiều về ban chấp hành mới của hội này, nhất là việc tái đắc cử chức chủ tịch hội của nhà thơ Hữu Thỉnh khiến không ít hội viên bất mãn vì đại hội đã không làm được một điều gì mới mẻ cho hội viên.

Để rộng đường dư luận và nhất là để tìm hiểu Hội Nhà Văn Việt Nam là gì, Thanh Trúc phỏng vấn người đã tham dự hội nghị này là nhà văn Vũ Hạnh, ủy viên ban chấp hành Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ý kiến của một ngòi bút từng cộng tác qua nhiều thời kỳ của văn học miền Nam này không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Thanh Trúc: Thưa nhà văn Vũ Hạnh, ông nhận xét thế nào về Đại Hội Nhà Văn lần thứ 8, diễn ra ở Hà Nội, mà ông có tham dự?

Nhà văn Vũ Hạnh: Cuộc họp vừa rồi ở Hà Nội là cuộc họp rất dân chủ, bởi vì đa số đều lấy ý kiến biểu quyết của đa số, và cái gì đa số tán thành thì cái đó mới được chấp nhận.

Nhà thơ Hữu Thỉnh. Wikipedia
Nhà thơ Hữu Thỉnh. Wikipedia
Thanh Trúc: Thưa ông, dư luận bên ngoài Hội Nhà Văn Việt Nam cho rằng nhà thơ Hữu Thỉnh đã liên tiếp giữ chức chủ tịch trong ba nhiệm kỳ, bây giờ lại đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Như vậy có hợp lý không?

Nhà văn Vũ Hạnh: Theo tôi thì cái đó hoàn toàn hợp lý bởi vì đa số biểu quyết. Nhưng, trong cuộc hội vừa rồi, người ta có đề nghị là từ đây tất cả những người đóng vai trò chủ đạo, nghĩa là lãnh đạo chính, đều không nên quá hai nhiệm kỳ. Hiện nay mới ra điều lệ đó đối với hội. Mà trong kỳ này thì ông Hữu Thỉnh ra ứng cử nên mới được chiếm đa số nhất. Vì thế ông giữ vị trí lãnh đạo là đúng chứ có gì đâu.

Từ nay về sau thôi, nếu đã có điều lệ đó rồi mà ông còn tiếp tục làm thì điều đó mới sai trái.
Muốn tham gia phải có ý thức chính trị

Thanh Trúc: Theo tiêu chí, Hội Nhà Văn Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp. Như vậy Hội Nhà Văn Việt Nam vẫn ở dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo Trung Ương?

Nhà văn Vũ Hạnh: Tất nhiên, vì nó là tổ chức của đảng, phải theo sự chỉ đạo của đảng và Ban Tuyên Giáo Trung Ương như các hội khác thuộc về tổ chức của đảng của nhà nước.

Thanh Trúc: Thưa ông, có phải đa số các nhà văn trẻ Việt Nam hiện nay không muốn tham gia vào Hội Nhà Văn Việt Nam?

Nhà văn Vũ Hạnh: Tôi hoàn toàn không thấy điều đó mà tôi thấy ngược lại. Tôi thấy nhà văn nào cũng muốn tham gia Hội Nhà Văn để có được tiếng là nhà văn. Tôi nói rõ Hội Nhà Văn là một tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp. Thì mỗi một nhà văn phải có ý thức chính trị đầy đủ khi tham gia.   

Nhưng mà tôi cũng thấy rằng nhiều ý kiến của anh em nhà văn đặt chưa đúng mức. Phần nhiều có vẻ mơ hồ về chuyện chính trị, những người được đào tạo kỹ mới có chứ phần đông anh em lớp trẻ sau này thì mơ hồ về chính trị. Họ vô với tính cách là có danh nghĩa nhà văn mà thôi, chứ còn thực ra thì phải có ý thức chính trị trong mọi vấn đề thì mới ở trong hội nhà văn.

Thanh Trúc: Thưa nhà văn Vũ Hạnh, ông nhận định thế nào về việc nhà văn Trần Mạnh Hảo và một vài người khác không được phép đọc hết bài tham luận mà còn bị cúp micro và bị mời xuống khỏi diễn đàn?

Nhà văn Vũ Hạnh: Tôi nghĩ trước hết lỗi thuộc về ông Trần Mạnh Hảo. Là vì bất cứ ở tổ chức nào thì mình phải tuân theo cách tổ chức trong hội nghị đó. Họ cho mình nói mình mới nói, họ cho mình phát biểu mình mới phát biểu chứ. Còn ông Bùi Minh Quốc hay ông Bùi Mạnh Hảo, họ cho nói ngắn năm phút mười phút mà lên nói ba chục phút thì người ta phải cắt. Đằng này ông Trần Mạnh Hảo ông tự cướp micro để ông đứng lên ông nói.

Tôi không biết vì cúp điện hay vì họ cúp, tôi không rõ, nhưng mà tôi thấy việc làm như vậy bị người ta đánh giá là côn đồ, không ai chấp nhận điều đó. Huống hồ xưa nay ông đã nói nhiều điều sai lầm rồi. Mà đó là chuyện cũ, nhưng trong hội nghị thì Trần Mạnh Hảo bị đa số lôi xuống không cho phát biểu nữa, đa số trong hội nghị. Tức là anh ta không tuân hành nội qui của cuộc họp. Theo tôi chính cái lỗi thuộc về Trần Mạnh Hảo.

Thanh Trúc: Thưa ông, nhà nước Việt Nam cung cấp một số tiền lớn hàng năm cho Hội Nhà Văn Việt Nam, nhưng chừng như kết quả xem ra không đáng với số tiền lớn đã bỏ ra. Theo ông thì lý do vì sao?

Nhà văn Vũ Hạnh: Cái đó làm sao tôi nắm được, làm sao bao quát được hết sinh hoạt của Hội Nhà Văn. Tôi không rõ được hết công việc này trong khi tôi là nguời ngoài. Lãnh đạo Hội Nhà Văn mới nắm được chứ.
Tự do viết nhưng phải phục vụ cho “lẽ phải”

Thanh Trúc: Ông đã ra khỏi Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh cũng như ra khỏi Hội Nhà Văn Trung Ương vì lý do riêng. Đứng bên ngoài nhìn vào, ông có nghĩ rằng Hội Nhà Văn Việt Nam là một tổ chức được sinh hoạt một cách tự do hay không, ông có ao ước rằng người cầm bút ở Việt Nam có được sự tự do đích thực để viết?

Nhà văn Vũ Hạnh: Theo tôi đã là một tổ chức chính trị thì phải nắm cho được đường lối chính trị của dân tộc. Chứ còn cứ mơ hồ như làm thơ mà in ra hàng vạn cuốn. Bây giờ những nhà văn nhà thơ cứ nói trên trời dưới đất trong khi dân chúng đang đói đang khổ, trong khi người ta đang đòi hỏi sự công bằng và dân chủ, tất cả những nhu cầu lớn lao của dân tộc như vậy thì những nhà văn có nói không?

    Có nhiều người, như rõ ràng qua phát biểu của Bùi Minh Quốc hay Trần Mạnh Hảo không phải là tự do xây dựng đất nước mà nhằm chủ ý phá hoại chống đối.
    Nhà văn Vũ Hạnh

Rồi bây giờ những người nghèo, xã hội đang còn nghèo chứ đâu phải xã hội giàu, mà người ta có nói về người nghèo không? Nông dân chiến đấu mấy ngàn năm cho sự độc lập này, rồi ăn cơm gạo của nông dân mà có nhà văn nào viết cho nông dân không? Tất cả những cái đó tôi cho rằng văn nghệ đi xa rời cuộc sống, chưa đúng vai trò của nó lắm.

Còn tài năng thì tôi tin anh em nhà văn có nhiều tài năng lắm, cũng có nhiều người học hành cũng tâm huyết lắm, nhưng mà phải đúng hướng chính trị. Bao giờ tôi cũng nghĩ rằng nhà văn phải có quyền được tự do viết nhưng mà tự do như thế nào? Bởi vì xưa nay khái niệm về tự do cần phải coi lại đã. Có nhiều người, như rõ ràng qua phát biểu của Bùi Minh Quốc hay Trần Mạnh Hảo không phải là tự do xây dựng đất nước mà nhằm chủ ý phá hoại chống đối. Nói như vậy hoàn toàn không giúp ích chi cả.

Cho nên tự do theo nghĩa nào, ví dụ, cô cũng rõ rồi, các nước tư bản thì rất tự do, cho anh nói lung tung, cố nhiên anh đừng ca ngợi cộng sản thôi. Anh ca ngợi cộng sản là anh cũng chết luôn chứ có phải không đâu.

Cho nên tôi vẫn nghĩ nhà văn phải tự do là đúng, để mà xây dựng cho dân cho nước mình, chứ không phải tự do đi nói ý mình muốn mà mang một ý đồ. Tôi thấy rằng cái tự do mà gần đây một số người nói thì tôi cho là không đúng.

Chứ còn không tự do thì làm sao viết văn được? Chúng ta đang đứng trong giai đoạn xã hội mà những yếu tố bên ngoài nó tác động ghê lắm. Tôi đồng ý với cô là nhà văn phải tự do, nhưng tự do đó có nghĩa là phục vụ cho lẽ phải. Khi mình ở trong đất nước thì mình phải chấp nhận và làm đúng nghĩa vụ của công dân, bởi vì nhà văn trước hết là một công dân.

Luôn luôn những cuộc hội nghị gần đây là trên mạng người ta nói phần nhiều không đúng sự thực. Những chuyện như vừa rồi tôi cho là một hội nghị dân chủ bởi vì đều lấy ý kiến của anh em, đa số biểu quyết thì mới chấp nhận. Rõ ràng việc làm như vậy rất dân chủ rồi chứ còn gì nữa.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn nhà văn Vũ Hạnh đã trả lời những câu hỏi của chúng tôi



Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Mai Thảo viết về Bùi Giáng

Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965 (nếu sai, nhờ hai anh Cung Tiến, Phạm Công Thiện nhớ lại dùm cho), tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ. Mỗi họp mặt vớiù Thanh Tuệ, hồi đi là giám đốc của nhà xuất bản An Tiêm và còn là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.

Những họp mặt vì sách và do sách đó thường có tôi, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, đôi khi Nguyễn Ðình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, và đương nhiên nhân vật chủ chốt là tác giả sách là Bùi Giáng. Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản trưóc mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng bấy giờ hiển lộng tới không bền không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng ông cũng vậy.

Bùi gíang chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương. Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà Thanh Tuệ chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi trước đó, tươi cười, ung dung, trong cái phong thái của một người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nào của một người viết đang gió táp mưa rơi trên ngàn ngàn trang sách. Có như Bùi Giáng trước sau vẫn đang chập chờn với đời như một cánh bướm, lững thững với đời như một áng mây. Có như Bùi Giáng, cái áo vải cũ, râu tóc để mặc, điếu thuốc trên tay, chén trà trước mặt, vẫn chỉ ngồi chơi thảnh thơi ngày ngày với An Tiêm như thế. Sau này, sống với Bùi Giáng nhiều hơn, tôi cũng chỉ thấy Bùi Giáng như hồi đầu thấy ở An Tiêm. Trong một phiêu hốt, một ung dung chưa từng thấy. Có như, trọn một đời cái đầu của thi sĩ không một chút nào dành cho suy nghĩ, bàn tay thi sĩ không một phút nào dành cho cây bút. Có như trang giấy trắng, mặt bàn viết là những vật thể xa lạ chẳng bao giờø ông biết tới. Vắn tắc là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết. Mà hoàn toàn phiêu bông, hoàn toàn rong chơi.

Vậy mà cái sức viết hồi đó đến như Bùi Giáng là tột đỉnh, là không tiền khoáng hậu. Vậy mà cái lực viết đến như Bùi Giáng và thấy Bùi Giáng là ngàn người không một, là phi phàm, là vô địch rồi.

Một lần, tôi đem cái điều khó hiểu này ra hỏi một người cũng làm thơ thật nhiều, cũng làm thơ rất đều tay là Thanh Tâm Tuyền. Tác giả Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy lắc đầu cười: “Chịu không giải thích được. Chỉ biết Bùi Giáng khác. Với tôi. Với hết thẩy. Là cái chỉ có một. Với tôi là từng bài thơ. Nói đến từng bài thơ Bùi Giáng, bài thơ này bài thơ kia của Bùi Giáng lại là chuyện tức cười lắm lắm. Bùi Giáng là cái hiện tượng dị thường của một suối thơ ăm ắp không ngừng. Ðọc thơ Bùi Giáng cũng phải đọc như thế. Ðứng trên đơn vị từng bài. Bùi Giáng đặït tựa cho từng bài là ngắt thơ ra, ngắt chơi ra vậy thôi. Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ ra thơ, làm thơ. Ta cứ tạm hiểu cái trạng thái thơ kỳ lạ khác thường ở Bùi Giáng là như vậy.”

Sự ngược nghịch giữa cái rong chơi một đời của Bùi Giáng với cái lực thơ, cái số thơ, cái lượng thơ khủng khiếp làm ra, tôi đem hỏi thêm nhà xuất bản hằng ngày sống cùng Bùi Giáng, rồi đến chính thi sĩ, cũng không được sáng tỏ gì hơn ngoài suy diễn có tính chất phỏng đoán của Thanh Tâm Tuyền. Thầy Thanh Tuệ cũng chỉ lắc đầu cười. “Tôi cũng lấy làm kỳ”, Thanh Tuệ nói. “Anh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Ðiều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào anh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết đến phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.”

 Nhà An Tiêm suốt mấy mùa sách, hầu như không thở được nữa trước cái viết tràn bờ của Bùi Giáng, điều này ai cũng biết.

Rồi tôi rủ Bùi Giáng tới quán. Ðãi ông uống rượu. Vặn hỏi chính thi sĩ. Ðể cũng chỉ được Bùi Giáng cười cười thích thú trước tìm hiểu có vẻ ngớ ngẩn của tôi. Ông không chịu giải thích, chừng như ông không có gì giải thích, sự thành hình tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Cười cười, ông đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu: “Vui thôi mà”. vui, ba chữ “vui thôi mà” là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông, cõi thơ vô bờ của ông trăm phương nghìn ngã mênh mông và chính ông là hiện tượng thân của mênh mông nghìn ngã trăm phưong ấy. 

Bùi Giáng nói vui thôi mà. Quả vậy, thơ ông vui cực kỳ. Con châu chấu, con chuồn chuồn. Cơn chuồn chuồn, con châu chấu. Rừng Marylyn. Biển Brigitte Bardot. Ngành Novak. Ðóa John Keats. Ngành Mật niệm. Ðóa U Linh. Hồng Lĩnh Hạc Lâm. Quỳnh Lai Thị Xứ. Thơ đốt pháo bông, ngôn ngữ triệu triệu, như chữ thần diệu:

Người nằm ngủ thấy gì

Thấy rất nhiều nắng lạ

Giấc ngủ đầy nắng, đầy nắng lạ. Bùi Giáng nói vui thôi mà. Thơ ông vui thật. Từ cánh tay áo rộng, thơ bay. Từ trí tuệ gió lộng, thơ phất. Nghìn thu cổ lục. Ngày Hy Nga. Ðêm bé chị. Mọi trên ngàn. Sóng Hồng Hoang. Thềm dục vọng. Thơ ghé thăm đá, thăm bàn ghế, thăm bún bò, thăm lá.

Ghé thăm trái mận ban đầu

Bình minh bắt gặp nguyên màu ban mai 

Tiếng thơ sáng rỡ, chói lọi, kỳ ảo, cánh rừng ngôn ngữ ấy suối reo, chim hót, hoa nở, cây ào ào sóng vỗ, sóng từng từng xanh cây, beo gấu rởn nghịch, con chuồn chuồn hóa thân, con châu chấu suy tưởng, những môi nhỏ hằng ngày, gì cũng là thơ, thảy đều biến dạng. Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui. Hãy đọc thơ ấy, như cùng ông đi vào một trận vui lồng lộng. Ðừng cần tìm hiểu. Ðừng cần giải thích. Hãy đọc lại Mưa Nguồn, Bài Ca Quần Ðảo: 

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau 

Sẽ thấy cái vẫy tay chào lấp lánh của thi sĩ. Cái sự “vui thôi mà” trước sau ông chỉ nói vậy, ba chữ này tôi ao ước được thấy khắc vào mộ chí ông khi ông mất đi, ông và giữa con đường vui, không dưới không trên, không đầu không cuối gì hết. Giữa và mùa xuân phía trước, miên trường phía sau. 

Thơ là người. Ngoài đời Bùi Giáng cũng thật vui. Thời kỳ Thanh Tuệ chấm dứt, nhà xuất bản An Tiêm tạm ngừng hoạt động, Bùi Giáng gặp lại Thanh Nam, viên Linh, Vũ Khắc Khoan và tôi ở toà soạn tuần báo Nghệ Thuật và những kỷ niệm chúng tôi có với thi sĩ thời gian này vẫn là những kỷ niệm vui. Lúc này, thần thái ông ấy không còn được rạng rỡ như mấy năm về trước. Cuộc phiêu bồng qua đời sống của ông kỳ dị và tận cùng hơn. Mái tóc ông đổi màu. Mấy chiếc răng cửa bị gãy, nụ cười trẻ thơ vừa móm mém. Cặp ma-sát sâu hóm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế. Những con đường trên đó ông đi, cái túi vải thơ nào, những ngã tư ông ngừng lại, tách thoát với nhân thế, tất cả ở Bùi Giáng phơi hiện dần dần một hủy hoại khô khốc, ấy là tôi chỉ biết nhìn thấy ông một cách “hình hài” như vậy, nhưng “vui thôi mà” thì vẫn là rất vui. Ông vào tòa soạ, ngồi xuống ghế, nhìn mọi người, cười trẻ thơ, thường nói khát quá và xin một chai bia uống. Ông uống từng ngụm nhỏ, nói thích chai bia lớn vì uống được nhiều hơn, châm thuốc hút, những ngón tay vụng về lóng ngóng. Uống cạn chai bia, cái túi vải đeo lên và bỏ đi. Ðó là cái đến cái đi êm ả của Bùi Giáng. Nhiều lần không thế. Ông ra tắm ở cái máy nước trước tòa soạn, thản nhiên trước người qua kẻ lại, quần áo lướt thướt đi qua đường, một đám con nít tròn mắt đi theo. Một lần khác, chúng tôi đi ra ngoài một lát trở về, thấy ông nằm ngủ ngon lành trên hai cái bàn viết kê liền lại. Giấc ngủ dài, quên đời, quên hết, mặc hết, phải đánh thức dậy. Những lần đó, ông ngồi im lặng, bất động, thầm thì “vui thôi mà” rồi lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gãy đổ, gầy guộc trong chiều xuống. 

Chính là trong cái tình trạng suy nhược đã trầm trọng quá chừng và tiều tụy quà thể này của Bùi Giáng mà chúng tôi bắt đầu cảm thấy quan tâm thực sự đến thi sĩ. Ðến sức khỏe ông, ngày mỗi cạn kiệt. Ðến cách sống ông ngày mỗi tiều tụy. Ðến tâm thức ông, ngày càng bất định. Cuộc vui của ông Bùi Giáng tuyệt vời nhưng chẳng thể phiêu bồng mãi mãi. Phải làm một cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại. Về thế nào là cái tiếng thơ trác tuyệt của Bùi Giáng, cõi ngôn ngữõ đạt tới hoang đường kỳ ảo của Bùi Giáng. Trong khi còn gần ông. Trước khi ông chẳng gần, chẳng chịu sống cùng ai nữa.

Số biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng phải chờ đến hơn một năm sau, tờ Nghệ Thuật đình bản, tôi sang trông coi tờ Văn chung với Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện được. Cũng nhờ số Văn này mà tôi mới nhìn thấy và hiểu được sự không hiểu của tôi nói ở trên là sự ngược nghịch giữa Bùi Giáng tháng ngày rong chơi với Bùi Giáng mộ tuần lễ cả ngàn câu thơ, cả ngàn trang sách. Số Văn ấy, phần nhận định nhờ Thanh Tâm Tuyền, Ninh Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt... viết. Bài phỏng phấn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện. Phần giới thiệu những bài thơ mới nhất là tôi. Chưa biết kiếm tìm Bùi Giáng ở đâu, thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông ấy chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy. Kéo ông ra trước báo quán chụp chung tấm hình làm kỷ niệm rồi tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống, và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ. Ông không chép lại thơ đã làm. Ông làm thơ tại chỗ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút từ đầu ngón thôi. Làm thơ ứng khẩu, làm thơ tại chỗ, nhiều người cũng làm được. Nhưng là thơ thù tạc, và chỉ năm bảy câu một bài thôi. Bùi Giáng khác. Chai bia còn sủi bọt, ông ngồi viết không ngừng, tự dạng nắm nót chỉnh đốn, chỉ một thôi đã xong hơn hai mươi bài thơ, chúng tôi cầm lên coi, thấy bài thơ nào cũng khác lạ, cũng thật hay, cũng đích thực là từng hạt ngọc của cái thơ thượng thừa Bùi Giáng. Lần đó, tô đã hiểu tại sao Bùi Giáng cừ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Ðúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ. Mà thơ không ai sánh bằng, thơ không ai đuổi kịp. Ông uống cạn chai la-de, lập lại ba tiếng bất hủ “vui thôi mà” rồi đứng lên từ biệt. 

Mấy tháng cuối cùng trước biến cố 1975, tôi không thấy Bùi Giáng trong đời sống tôi nữa. Chỉ tỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu, dưới trời sao, ở một gầm cầu, dưới một mái hiên. Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuỗi toàn dày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con nít reo hò chỉ trỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh ở ngôi chùa vùng ngoại vi thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không nói. 

Ở trình trạng này, anh em chúng tôi, những bạn bè một thời thân thiết với Bùi Giáng, từng đã chén thù chén tạc với Bùi Giáng bao lần trên căn gác đường Lý Thái Tổ của nhà xuất bản An Tiêm, nhận sách tặng của Bùi Giáng, ở với ông và trời thơ trác tuyệt của ông, chúng tôi biết chúng tôi chẳng làm gì cho Bùi Giáng được nữa. Chẳng phải bỏ ông. Ông cũng không bỏ. Chỉ là ông đã đi khỏi, đi xa, vào một trời đất khác.

Hai câu thơ hay tuyệt hay vào tập cho tập Mưa Nguồn:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau 

Ðã mang một ý nghĩa khác. Lời chào như một xa cách vĩnh viễn. Một bỏ đi. Một vĩnh viễn. Cái kho tàng chữ nghĩa phong phú vô tận ở đó Bùi Giáng vừa tạo dựng nên cái thế giới ảo huyền của mình vừa phá hủy tan tành cái thế giới ấy, kho tàng ấy thi sĩ không thèm sử dụng nữa, và chúng tôi chẳng còn con đường nào tới được với ông. 

(.....) 

Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận. Ðọc lại Mưa Nguồn, đọc lại Ngàn Thu Rớt Hột, Bài Ca Quần Ðảo, tôi còn muốn bật cười với thơ Bùi Giáng. Vui thôi mà. Ðúng vậy, vui thôi, có khác gì đâu. Mất Bùi Giáng , thơ ta lại trở về với cái hữu hạn đời đời của thơ. Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có thêm được ít người điên như Bùi Giáng, thơ ca ta văn học ta còn được lạ lùng được kỳ ảo biết bao nhiêu.

MAI THẢO